Trương Gia Giới ký sự - Phần 1: Quốc gia Thâm lâm công viên

Nằm về phía tây bắc của tỉnh Hồ Nam, Trương Gia Giới (Zhangjiajie) là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia số 1 của Trung Quốc, rất đáng để được đến thăm và khám phá một lần trong đời nếu bạn là người đam mê du lịch bụi.

  12/05/2009 11:19



Với độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, địa hình chủ yếu là núi non có cảnh sắc tự nhiên vô cùng hùng vĩ và độc đáo, UNESCO đã công nhận Trương Gia Giới là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1992. Năm 2004, khu bảo tồn này cũng được vinh danh là công viên địa chất thế giới -“Trương Gia Giới quốc gia Thâm lâm công viên”.

Dân cư xung quanh khu bảo tồn chủ yếu là người thiểu số, trong đó người Thổ Gia chiếm phần lớn, còn lại là các dân tộc Hán, Bạch, Miêu.

Những khối đá kỳ vĩ

Vườn quốc gia Trương Gia Giới có diện tích trải rộng hàng ngàn kilômet vuông, trong vùng phong cảnh sơn tuyệt đẹp này có nhiều tiểu khu như Trương Gia Giới, Dương Gia Giới, Thiên Tử Sơn hay Bảo Phong Hồ, Lâu Giang, Hoàng Long động… Có hàng ngàn cột đá trụ và đỉnh núi. Nhiều cột đá cao hàng trăm mét, ở giữa các đỉnh núi, khe núi hay các khối dãy đá trụ trời là các thác nước, suối nguồn, với 40 hang động, 2 cây cầu tự nhiên khổng lồ, những rừng cây nguyên sinh, thung lũng sâu tạo thành một vùng phong cảnh ấn tượng có một không hai.

Dưới sự kiến tạo quá tài tình và kỳ diệu của thiên nhiên, miền đất cách đây hàng trăm triệu năm này đã chìm ngập trong nước biển và dần được nâng lên cao. Những dòng nước trong quá trình biến đổi địa chất đã xói mòn và tạo ra những nhát cắt khổng lồ, sắc gọn hình thành lên các khe núi và cột đá hình thù cổ quái, độc đáo hiên ngang giữa đất trời.

Thiên lý tương ngộ

Từ nhà ga Nam Ninh, chúng tôi mua vé tàu đêm ký hiệu 2012 đến với khu đô thị Trương Gia Giới cách đó cả ngàn kilômet đường. Tàu chạy hết 14 giờ qua 14 nhà ga. Cổng phía nam của vườn quốc gia Trương Gia Giới cách khu đô thị chừng 40km đường lượn vòng trên núi, xuyên qua núi non, qua cả một đường hầm dài 3km là một trong năm cửa ra vào của khu bảo tồn này, mỗi cửa cách nhau hàng chục kilômet.

Thiếu nữ

Để tham quan và khám phá Trương Gia Giới, có rất nhiều tour cho khách du lịch từ một vài ngày cho tới hằng tuần. Bằng vào sự rộng lớn về diện tích, phong phú và đa dạng về cảnh quan, mỗi mùa mỗi vẻ đẹp riêng, mỗi vùng mỗi bản sắc không lẫn vào nhau. Để thỏa chí tang bồng thì đi hằng tháng có khi vẫn còn chưa đủ.

Phần lớn du khách lựa chọn một chương trình đi trong hai ngày với hướng dẫn viên và thông ngôn tiếng Hoa. Điều này rất quan trọng vì nếu không có người hướng dẫn và thông ngôn, bạn sẽ băn khoăn không biết nên đi từ đâu đến đâu mà không lạc hay không lặp đường, và không dễ gì hiểu được các điển tích, sự tích, những tên gọi hoa mỹ mà người Trung Quốc đã gắn vào từng cảnh quan, hiện tượng.

Du khách tới Trương Gia Giới chủ yếu là người Trung Quốc. Người nước ngoài chủ yếu là dân châu Á, đặc biệt là người Hàn Quốc. Khách phương Tây không nhiều lắm. Theo như các bạn quản lý bán vé ở cửa phía nam và lời của “sư tỉ” Húng Chỉa (tên hướng dẫn viên của chúng tôi), đây là lần đầu tiên có du khách người Việt Nam tới tham quan khu du lịch nổi tiếng này.

Giá vé vào cửa Trương Gia Giới là 248 tệ, được quyền ra vào cửa trong vòng hai ngày mua vé và không hạn chế thời gian ở lại. Vé đã bao gồm 3 đồng bảo hiểm, trẻ em dưới 1,2m được vào miễn phí, sinh viên nước ngoài có thẻ sinh viên dưới 24 tuổi được giảm trừ vé còn 134 tệ. Giá vé này được hỗ trợ di chuyển bằng xe buýt riêng của ban quản lý khu bảo tồn, di chuyển giữa các điểm đến trong vùng, không bao gồm chi phí ăn ở, vé sử dụng các dịch vụ như thang máy và cáp treo.

Ví dụ như nếu sử dụng thang máy Bạch Long phải mua vé 58 tệ, sử dụng cáp treo Hoàng Thạch Trại thì giá vé 47 tệ, sử dụng cáp treo Thiên Tử Sơn có giá vé 50 tệ. Ngoài ra, ở đây  còn có dịch vụ kiệu người. Tùy thuộc vào quãng đường đi và địa hình leo núi hay đường bằng mà có giá cả tùy ứng, từ vài chục tệ đến hàng trăm tệ, mỗi kiệu một người có hai phu khiêng vác.

Suối Kim Tiên

Từ cổng công viên, bất kỳ du khách nào cũng có 1-2giờ trekking trên con đường dài 4km dọc dòng suối Kim Tiên dài 7,5km cũng như bắt đầu bị choáng ngợp và hút hồn bởi những vách đá khổng lồ và dựng đứng, những đỉnh núi, khối đá hình thù kỳ dị nhấp nhô len lỏi giữa màu xanh điệp trùng của núi rừng. Dọc hai bên bờ suối là đám cây bụi và người hướng dẫn giới thiệu một loại kỳ hoa dị thảo của vùng là hoa con tôm (vì có hình dáng như con tôm) đang khoe sắc hai bên bờ.

Bản thân Kim Tiên cũng là một dòng suối đặc biệt, nước trong vắt, nhìn rõ từng bụi cây, ngọn cỏ, phiến đá, viên sỏi dưới đáy dòng. Dù vừa trải qua một cơn mưa lớn mà dòng nước vẫn không hề bị vẩn đục. Trong dòng Kim Tiên có một loài cá quý hiếm chỉ lớn đến 4 tấc thì không lớn thêm nữa.

Cạnh dòng Kim Tiên là ngọn Kim Tiên Phong cao 350m, vách dựng như một bức tường thành sừng sững khổng lồ, do có hình một cây roi ánh vàng trong nắng mặt trời nên được đặt tên là Kim Tiên (có nghĩa là roi vàng).

Núi ở Trương Gia Giới

Trên đường đi, con đường mòn có những đoạn ngắn được lát châu báu, vàng bạc, tiền cổ bằng ximăng hoặc trồng những hàng cột thấp dày đặc như thể để luyện tập võ nghệ. Chúng tôi được giới thiệu những đỉnh núi như Mẫu Tử Phong giống hình người mẹ ôm con, Văn Tinh Phong, Ô Quy Nham có hình dáng hai con rùa đen đang luyến ái, Tây Du Nham với hình tượng thầy trò Tôn Ngộ Không.

Có một ngọn suối chảy ra từ trong khe núi được mang tên Trường Thọ Tuyền mà nhiều hướng dẫn viên giới thiệu với du khách rất hóm hỉnh là “uống một ngụm sống đến 99 tuổi, uống hai ngụm bách bệnh tiêu tan, uống ba ngụm thì vợ người khác cũng phải chạy theo”. Riêng sư tỉ Húng Chỉa rất thật thà bảo chúng tôi lấy nước vào chai để mang theo dọc đường, giải thích đây là suối nước khoáng, uống một ngụm thì sống lâu, hai ngụm thì tiêu tan bách bệnh nhưng đừng uống ngụm thứ ba vì nhiều khoáng quá dễ bị sỏi thận!

Con đường qua Trương Gia Giới tách làm hai tại nơi dòng suối Kim Tiên gặp ngọn núi Thiên Lý Tương Ngộ. Nếu tiếp tục men theo dòng suối chừng 4km sẽ đến chân thang máy Bạch Long. Một chiếc thang máy dựng đứng lắp thẳng vào vách đá, đưa bạn lên cao cheo leo trên vách núi để ngắm nhìn toàn cảnh núi non hùng vĩ và lộng lẫy bốn phía xung quanh. Đây cũng là trạm xe buýt điện của khu bảo tồn để đưa bạn tới các điểm khác nhau trong khu vườn quốc gia.

Con đường châu báu

Chúng tôi chọn con đường thứ hai lên núi bằng những bậc cấp men theo các vách đá dựng đứng, nghe nói 3.078 bậc. Đó là con đường vất vả vì phải leo lên cao liên tục nhưng vô cùng ấn tượng bởi vẻ đẹp diệu kỳ của những vách núi, khe đá, thung sâu dọc đường. Những khối đá cao ngất trời, trập trùng giữa vực sâu ngút ngàn, hùng dũng như những bức tường thành khổng lồ lại tựa như bao tàn tích đền đài của một nền văn minh rực rỡ, thần kỳ, bí ẩn nào đó trong quá khứ.

Vách đá ban sáng, ban trưa, ban chiều dưới sự thay đổi của ánh mặt trời mang một vẻ đẹp khác nhau, lúc lấp lánh ánh vàng, lúc âm u huyền bí. Xem những tấm thiệp có mây trắng vờn quanh vách núi quả thật chả khác gì ở chốn thiên đường. Trên vách đá là những gốc cây thông xanh đến kỳ lạ, hiên ngang và kiêu hãnh vươn mình. Dọc đường thỉnh thoảng gặp vài trạm dừng chân uống nước, nghỉ ngơi, có trạm đặt chiếc xích đu bằng gỗ với lời chào mời vô cùng thân thiện “chỉ với 2 đồng ngồi cả một mùa thu”.

Phu kiệu

Băng qua những bậc thang và con đường lát đá xanh với hàng lan can bám dọc các vách núi dựng đứng, cheo leo đến lạnh người, chúng tôi tới khu Hậu Hoa Viên (có nghĩa là Vườn hoa của hoàng hậu). Do đã đặt trước với Húng Chỉa về việc ăn uống của cả nhóm trong chuyến đi - 50 tệ/người/ngày cho cả ba bữa, nên trên đường đi người hướng dẫn đã dùng điện thoại để liên hệ với một nhà hàng trên núi ở khu Hậu Hoa Viên đặt bữa trưa cho chúng tôi. Gọi là nhà hàng chứ thực tế là nhà của người dân sinh sống trong khu bảo tồn, tranh thủ nấu ăn phục vụ lữ khách có nhu cầu đi ngang qua.

Rời con đường bên vách núi, chúng tôi theo lối mòn nhỏ xuyên qua một trảng cỏ rộng lớn và bước ra đường cái quan trong Trương Gia Giới. Bữa trưa khá ngon gồm cơm trắng trong thố gỗ, sườn xào chua ngọt với khoai tây hầm thơm ngầy ngậy, dưa chuột xào lợn chạy rông trên núi giòn tan, thịt mềm và ngọt không mì chính, cà tím dài nướng trên than hồng, xắt miếng chan dầu nóng bỏng lưỡi và cay xè vị ớt khô, mướp hương xào thơm nức, trứng xốt cà chua, canh trứng với hành...

Sơn thủy hữu tình

Thiên hạ đệ nhất tự nhiên kiều

Buổi chiều, chúng tôi di chuyển bằng xe buýt đến tham quan một vách núi nổi tiếng có Vọng Kiều Đài, nằm ở khoảng giữa hai trạm xe buýt điện trung chuyển, một địa điểm mà du khách nếu tự đi thường sẽ bỏ qua vì không biết. Từ đây nhìn xuyên qua trập trùng núi non là cây cầu đá tự nhiên được mệnh danh “Thiên hạ đệ nhất tự nhiên kiều” nối hai mỏm núi cao hơn 300m với nhau. Phần đá phía dưới đã sụp đổ, biến mất hoặc bị dòng nước bào mòn, chỉ còn để lại bên trên một phần đá mỏng manh so với những khối đá hùng vĩ quanh đó tạo nên cây cầu tự nhiên có thể đi ngang qua được.

Người Trung Quốc hình như thích thể hiện tình yêu bằng khóa, bởi thế xung quanh cây cầu độc nhất vô nhị này có vô số chiếc khóa khác nhau, to dài, ngắn bé, bằng đồng hay inox có khắc tên riêng hoặc những lời thề non hẹn biển. Các cặp tình nhân tới đây dùng khóa tình yêu treo vào lan can cầu rồi ném chìa khóa xuống đáy vực sâu hàng trăm mét kia, nguyện cầu tình yêu đôi lứa được mãi mãi bên nhau.

Khóa tình yêu

Chúng tôi vượt qua cây cầu Kiều để được thọ trăm tuổi, đi một vòng quanh đỉnh núi bên kia cầu để sau này được thành phú ông theo quan niệm của người Trung Quốc. Cách đó không xa là Tình Nhân kiều, ai muốn hạnh phúc cả đời thì nắm lấy tay người yêu cùng nhau đi qua cầu, ai đi một mình thì tay phải nắm vào tay trái để cầu may. Những ước nguyện về tình yêu hạnh phúc luôn tồn tại trên con đường mà chúng tôi đã qua, cái hiện hữu nhất có thể cảm thấy được ngay trong chuyến đi đó là cảm giác thăng hoa, phấn khích, sự rung động của tâm hồn trước thiên nhiên tươi đẹp và những giây phút thư thái, êm ả mà chúng tôi có được với hành trình.

Chiều xuống chầm chậm, nhiều mây nên hoàng hôn sau vách núi hơi nhạt, một mảng màu yếu ớt chìm vào bóng núi. Tôi tranh thủ bấm những bức ảnh cuối cùng, nào Thập lý họa quyển, nào Bái Tiên Đài, Kim Tiền Nham… Vừa bấm vừa ước giá mà có thời gian sẽ quay lại nơi này, mong buổi sớm sẽ có mây trắng bay ngang trời lãng đãng và sẽ tận mắt được ngắm nhìn một vùng phong cảnh sơn đẹp như chốn thiên đường.

Quán Danh Thiếp

Chúng tôi ngồi lãng đãng xem chiều buông ở quán Danh Thiếp nay đã là nhà hữu nghị Hàn-Trung. Quán Danh Thiếp vốn dĩ trước đây là quán trà của một người Trung Quốc gốc Hàn mở trên đỉnh núi, mỗi khi có người Hàn Quốc đi ngang qua đều để lại danh thiếp. Lâu dần hàng ngàn danh thiếp được sưu tập lại, gắn khắp nơi lên tường, lên vách liếp, lên bậu cửa, đèn lồng…

Đêm ập xuống trên Vọng Cảnh đài, gió hun hút thổi những điệu âm u và huyền bí…

(Nguồn: TTO)

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

Bí quyết ngủ ngon khi đi du lịch

Một giấc ngủ ngon và tinh thần sảng khoái là việc vô cùng quan trọng khi đi du lịch. Hẳn bạn luôn mu ...

  16/06/2020 17:38

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Khám phá hang động mới ở Quảng Bình

Nhắc đến Quảng Bình, bất kỳ ai cũng nghĩ ngay đến động Phong Nha, động Thiên Đường và hang Sơn Đoòng ...

  27/05/2020 19:40

Khám phá thành phố cổ Bagan

Ở cái xứ nhẹ nhàng và bình yên ấy, buổi sớm mai thật trong trẻo và an nhiên biết bao! Cố đô một thuở ...

  26/05/2020 17:30

Cuộc sống nông dân tỉnh Ibaraki

Trải nghiệm sống cùng nông dân của hiệp hội xúc tiến trải nghiệm thôn quê Hiroura tại thị trấn Ibara ...

  01/04/2020 16:49
pin