Thiên đường nhiệt đới đoạn tuyệt với xăng

Quốc đảo Tavalu nhỏ bé ở Nam Thái Bình Dương muốn ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và sản xuất điện từ năng lượng tái sinh trước năm 2020.

  23/07/2009 08:20




Đảo Funafala ở phía nam Tavalu. Ảnh: Telegraph.

Nằm ở giữa Australia và quần đảo Hawaii (Mỹ) trên Thái Bình Dương, phần lớn lãnh thổ Tavalu (gồm 9 đảo) cách mực nước biển chưa tới 0,9 m. Nơi cao nhất của nước này chỉ cách mực nước biển 4,5 m. Vì thế mà Tavalu đang đối mặt với nguy cơ bị nước biển nhấn chìm do tình trạng ấm lên toàn cầu. Chính phủ Tavalu đã lên kế hoạch thay thế "nhiên liệu bẩn" như xăng và than đá bằng gió và năng lượng mặt trời.

Chính quyền buộc phải hành động quyết liệt vì Tavalu là một trong những nước sẽ hứng chịu tổn thất nặng nề nhất từ hiệu ứng nhà kính. Tavalu chẳng có ngành công nghiệp nặng nào và cũng hầu như không có tài nguyên thiên nhiên. Vì thế mà lượng khí thải carbon mà nước này tạo ra rất ít. Với chủ trương ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, quốc đảo nhỏ bé có thể trở thành nước đầu tiên trên hành tinh không tạo ra khí thải carbon nữa.

Với diện tích vào khoảng 26 km vuông và dân số 12.000 người, Tavalu là nước nhỏ thứ tư thế giới. Trên đảo không có sông và suối nên người dân chỉ có thể hứng nước mưa để uống. Những trận ngập lụt ngày càng trở nên thường xuyên và tồi tệ hơn trong mấy năm gần đây. Tình trạng đó khiến người dân Tavalu hiểu rằng có thể họ sẽ phải từ bỏ hòn đảo nếu mực nước biển tiếp tục dâng.

Tavalu có nhiều bờ biển tuyệt đẹp, song người dân nơi đây có thể sẽ phải rời bỏ đất nước nếu nước biển tiếp tục dâng. Ảnh: janeresture.com.

Một hệ thống pin năng lượng mặt trời có công suất 40 KW đã được lắp đặt trên mái của sân vận động lớn nhất trên đảo. Hiện tại những tấm pin mới cung cấp 5% nhu cầu điện của thủ đô Funafuti. Tuy mới chỉ hoạt động 14 tháng, song chúng đã giúp Tavalu giảm được 17.000 lít xăng nhập khẩu từ New Zealand. Dự án được tài trợ bởi e8 - một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận - và hai công ty năng lượng của Nhật Bản.

Chính phủ Tavalu đang nỗ lực mở rộng dự án. Họ muốn lắp pin mặt trời trên toàn bộ 9 đảo của đất nước. Tổng chi phí cho tham vọng này vào khoảng 20 triệu USD, trong khi nền kinh tế Tavalu phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ nước ngoài.

Tavalu không phải là quốc gia duy nhất muốn giảm lượng khí thải carbon tới mức bằng không trong thập niên tới. Maldives và nhiều nước khác cũng có kế hoạch tương tự. Mặc dù nỗ lực của những nước này không thể ngăn chặn biến đổi khí hậu, Liên Hợp Quốc vẫn hy vọng rằng hành động của họ sẽ tác động tới những nước thải nhiều khí carbon như Mỹ, Trung Quốc.

(Nguồn: VnE)

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

Bí quyết ngủ ngon khi đi du lịch

Một giấc ngủ ngon và tinh thần sảng khoái là việc vô cùng quan trọng khi đi du lịch. Hẳn bạn luôn mu ...

  16/06/2020 17:38

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Khám phá hang động mới ở Quảng Bình

Nhắc đến Quảng Bình, bất kỳ ai cũng nghĩ ngay đến động Phong Nha, động Thiên Đường và hang Sơn Đoòng ...

  27/05/2020 19:40

Khám phá thành phố cổ Bagan

Ở cái xứ nhẹ nhàng và bình yên ấy, buổi sớm mai thật trong trẻo và an nhiên biết bao! Cố đô một thuở ...

  26/05/2020 17:30

Cuộc sống nông dân tỉnh Ibaraki

Trải nghiệm sống cùng nông dân của hiệp hội xúc tiến trải nghiệm thôn quê Hiroura tại thị trấn Ibara ...

  01/04/2020 16:49
pin