Thăm Bắc Kinh: vào hẻm và đẩy cửa... "hộp"!

Là trung tâm của Trung Quốc từ thời nhà Nguyên, rồi nhà Minh, nhà Thanh, Bắc Kinh nổi tiếng khắp thế giới với những kiến trúc cung điện đồ sộ như Tử Cấm Thành, Cung điện Mùa Hè…Thế nhưng bên ngoài bức tường thành nguy nga tráng lệ đó là hutong và siheyuan, nơi những người dân bình thường sống từ đời này qua đời khác.

  15/07/2009 10:20

Dọc ngang những hutong

Hutong là những con hẻm nhỏ được xây theo cấu trúc dọc ngang như bàn cờ. Hutong có một vị trí đặc biệt và quan trọng không chỉ trong kiến trúc Bắc Kinh, nó còn là chính tâm hồn của thành phố, là cửa sổ mở ra lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán của người dân Bắc Kinh.

Không có vở Kinh kịch, bộ phim hay tác phẩm văn học nào về Bắc Kinh mà lại không có bóng dáng của hutong. Lỗ Tấn cho rằng nếu không có hutong, văn học Trung Quốc sẽ giảm đi một nửa phần đặc sắc. Bill Clinton, khi còn là tổng thống Mỹ, trong một chuyến thăm chính thức Trung Quốc, cũng đã từng dùng bữa ở nhà hàng Lijia số 11 Yangfang Hutong (nếu muốn ăn ở đây, bạn nhớ đặt chỗ trước vì nhà hàng này luôn quá tải khách). Dù Bắc Kinh thay đổi nhiều trong những năm gần đây, nhưng những hutong vẫn nguyên vẹn như ngày xưa, như lịch sử 700 năm của Bắc Kinh.

Một hutong chiều ngang chỉ nửa mét

Không khó để tìm ra một hutong ở Bắc Kinh, bởi con số những hutong được chính thức đặt tên ở đây lên tới hơn 6000. Nhưng vẫn không ai biết tổng cộng thật sự có bao nhiêu hutong. Một câu ngạn ngữ cổ của Trung Quốc đã so sánh số lượng hutong Bắc Kinh như số lông của con trâu.

Hutong lớn nhất rộng khoảng 4 mét, nhưng nhiều hutong chỉ nhỏ khoảng 40 cm, vừa lọt một người đi. Ngay cả tên của những hutong này cũng bình dân như những con người đang sống trong lòng nó: hẻm Giấm (Cuzhang Hutong), hẻm Bánh hạt dầu mè (Shaobing Hutong), hẻm Túi áo (Koudai Hutong), hẻm Giếng (Jinger Hutong), hẻm Chợ tiền (Qianshi Hutong), hẻm Con vịt (Yaer Hutong), hẻm Cây liễu (Liushu Hutong)… Dạo một vòng trong các hutong, tôi thấy khá nhiều nhà vệ sinh công cộng miễn phí, bởi những căn nhà trong các hutong này thường không có phòng vệ sinh riêng.

Những chiếc hộp truyền thống 

Siheyuan (si: bốn hướng đông tây nam bắc, he: kết hợp, yuan: vườn) là những căn nhà được xây theo hình ô vuông mà mỗi cạnh là một gian phòng, tất cả các phòng quây quanh khoảng sân nằm chính giữa. Nhìn từ trên xuống siheyuan chẳng khác nào một cái hộp,  bên trong được trang trí bằng nhiều hoa.

Siheyuan không có cửa sổ hay lối đi nối với hutong nào, trừ cổng chính duy nhất thường ở góc phía Đông Nam. Cổng chính mở theo hướng này để đón mặt trời và tránh gió lớn thường mang theo cát bụi vào nhà. Khi cửa đã đóng rồi thì siheyuan trở thành một thế giới hoàn toàn riêng biệt.

Siheyuan còn nói lên truyền thống sống chung đại gia đình ở Trung Quốc: người già sống ở căn nhà chính hướng bắc, những thành viên còn lại sống ở nhà cánh trái và cánh phải, căn ở hướng nam dùng làm phòng học hay tiếp khách. Không biết bao nhiêu nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc đã sinh ra và lớn lên trong những ngôi nhà như thế này.

Kiểu nhà siheyuan

Sự phân biệt giai cấp của Bắc Kinh ngày xưa thể hiện rõ nhất ở kiến trúc nhà ở: vua chúa và gia đình sống trong Tử Cấm Thành với mái ngói vàng, quan lại sống trong biệt thự với mái ngói xanh lá cây, quý tộc sống trong những căn siheyuan. Diện tích siheyuan càng to càng thể hiện sự giàu có của người chủ. Những người nghèo thì sống trong những nhà xập xệ.

Khi đi trong hutong, ngang qua những siheyuan, hãy chú ý cúi đầu để nhìn thấy những cặp  tượng hay hình điêu khắc từ đá đặt trước mỗi cánh cửa. Bạn sẽ ngạc nhiên trước sự phong phú của chúng. Thông qua những cặp tượng hay hình khắc ấy, bạn sẽ hiểu được địa vị và niềm mong ước của chủ nhà. Có khi đó là con dơi, tượng trưng cho hạnh phúc, có khi là con sư tử tượng trưng cho quyền lực và sức mạnh, hoa sen và cá là niềm mong mỏi giàu có dư thừa, con công là mong thăng quan tiến chức, đồng tiền là hy vọng may mắn liên tiếp…

Một con đường cổ kính

Thời gian trôi qua, nhiều nhà siheyuan bị thay bằng những chung cư cao tầng với những điều kiện sống tốt hơn. Chỉ trên khu vực vòng đường thứ 2 là còn giữ nguyên những căn siheyuan và là một trong những điểm tham quan của nhiều du khách. (Bắc Kinh được chia làm năm vòng đường và đang mở rộng ra vòng đường thứ 6).

Nhiều lời kêu gọi hãy bảo vệ sự tồn tại của siheyuan trước sự gia tăng nhanh đến chóng mặt của các khu nhà cao tầng đang gây chú ý của dư luận. Giá nhà của Bắc Kinh càng đắt đỏ bao nhiêu thì giá trị của những cái “hộp vuông” siheyuan càng cao bấy nhiêu. Những nhân vật giàu có và nổi tiếng luôn muốn sở hữu một trong hơn 3000 siheyuan của Bắc Kinh, để chứng tỏ đẳng cấp của mình. Còn những gia đình đã sống ở đây bao đời thì chẳng muốn bán, vì với họ, giá trị của nó không có thể quy đổi thành tiền bạc, dù thu nhập của cư dân ở khu này chẳng phải là cao.

Đi tour trong hẻm

Shichahai là một trong những khu vực hutong nổi tiếng nhất mà khách tham quan thường hay đến. Trong hutong, bên cạnh Lầu Trống (Gulou), thường thấy một hàng dài xích lô màu vàng xen đỏ xếp hàng đợi khách du lịch. Nhiều nhà mở dịch vụ tham quan hutong, du khách trả khoảng 60 nhân dân tệ để được dẫn đi lòng vòng qua những con hẻm nhỏ, để nhìn ngắm những ngôi nhà đã tồn tại hàng bao thế hệ. Còn có cả công ty du lịch chỉ chuyên kinh doanh tour hẻm cổ Bắc Kinh như “Beijing hutong tour”.

Bạn cũng có thể thuê một chiếc xe đạp và với một tấm bản đồ, bạn sẽ được tự khám phá hutong. Tôi thì thích đi bộ để chụp hình, để rờ tay vào bức tường gạch xám cổ, để nghe tiếng hát vẳng ra từ một siheyuan, để tìm sự khác biệt của vô số những con sư tử đá gác cửa, để nhìn kĩ những hình chạm khắc khác nhau trên mỗi cánh cổng, hay để tình cờ đẩy một cái cửa thấp và được một cụ già mời ăn món jiaozi (gần giống như món há cảo) - một đặc sản của Bắc Kinh - mà cụ đang gói ... Những người dân ở đây dường như cũng đã quen với việc những người khách lạ không mời mà bước vào nhà như tôi.

Nếu đến Bắc Kinh, bạn nên ghé qua một số siheyuan đẹp, chẳng hạn như nhà số 129 Lishi Hutong, số 15 Fangjia Hutong, số 36 Fuxue Hutong... Và cuối cùng đừng quên ngồi ở quán café siheyuan Lao Qi, nơi hai di tích cổ Lầu Trống (Gulou) và Lầu Chuông (Zhonglou) đổ bóng dài dưới ánh mặt trời.

Đi tour trong hẻm

Lầu Trống

Nếu chọn Bắc Kinh là điểm đến sắp tới trong kì nghỉ của bạn, dù lịch trình có kín mít cách mấy cũng hãy nhớ chừa một phần cho việc lang thang sâu vào trong những hutong.  Trong những siheyuan cổ, hãy vừa nhấm tách trà vừa nghe những câu chuyện về cuộc sống và cái chết đã đi qua nơi đây. Bạn sẽ có cảm giác như mình đang ở trong kinh đô lớn nhất thế giới này, vào một thời điểm nào đó của những ngày xưa cũ.

(Nguồn: PNO)

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

Bí quyết ngủ ngon khi đi du lịch

Một giấc ngủ ngon và tinh thần sảng khoái là việc vô cùng quan trọng khi đi du lịch. Hẳn bạn luôn mu ...

  16/06/2020 17:38

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Khám phá hang động mới ở Quảng Bình

Nhắc đến Quảng Bình, bất kỳ ai cũng nghĩ ngay đến động Phong Nha, động Thiên Đường và hang Sơn Đoòng ...

  27/05/2020 19:40

Khám phá thành phố cổ Bagan

Ở cái xứ nhẹ nhàng và bình yên ấy, buổi sớm mai thật trong trẻo và an nhiên biết bao! Cố đô một thuở ...

  26/05/2020 17:30

Cuộc sống nông dân tỉnh Ibaraki

Trải nghiệm sống cùng nông dân của hiệp hội xúc tiến trải nghiệm thôn quê Hiroura tại thị trấn Ibara ...

  01/04/2020 16:49
pin