Tết Bun Pi May ở xứ sở hoa chămpa

Những năm tháng sống và làm việc bên nước bạn Lào đã xa nhưng mỗi dịp nhìn những cây hoa hoàng hậu buông những chùm hoa vàng tha thướt đung đưa trong gió tháng tư là tôi lại nhớ đến Bun Pi May - tết năm mới của Lào.

  14/04/2011 10:11

 

Những ngày này, ban (làng) Thong Pong - nơi tôi từng gắn bó - lại đang rộn ràng trong không khí chuẩn bị đón "tết té nước".

 

Ai ướt nhiều là nhiều may mắn... - Ảnh: T.THU

Để đón năm mới, mọi nhà dọn dẹp lau chùi nhà cửa, vật dụng và công cụ sản xuất sạch sẽ. Một việc quan trọng là chuẩn bị nước thơm và hoa để đón tết. Nước thơm được làm từ nước ướp với hoa và dầu thơm. Hoa được kết lại thành vòng tròn (thường là hoa chămpa) để choàng cho khách đến thăm chúc tết. Trong 3 ngày tết, mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh đều tạm nghỉ, mọi người cùng vui chơi.

 

Theo truyền thống, Bun Pi May diễn ra trong suốt tháng thứ năm theo Phật lịch. Ngày lễ chính được tổ chức vào dịp trăng tròn. Hiện Bun Pi May được tổ chức hằng năm từ ngày 13 đến 15-4 theo dương lịch. Dịp này ở đất nước Lang Xang (Triệu Voi) bầu trời trong xanh, cây cối tươi tốt, sông suối đầy nước chảy cuồn cuộn đổ về hạ lưu, người Lào vào dịp lễ hội mừng một năm mới tốt lành may mắn.

Người Lào không có bàn thờ tổ tiên tại nhà, tất cả mọi hoạt động đều tiến hành ở chùa. Ngày đầu năm mới mọi người đến chùa làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo, sau đó tổ chức tắm Phật. Tượng Phật được rước sang một gian riêng và mở cửa trong 3 ngày để mọi người có thể đến tắm cho Phật. Nước để tắm cho Phật là nước thơm của từng nhà đã chuẩn bị mang đến.

Người Lào dùng những chùm hoa hoàng hậu vàng mượt nhúng vào nước thơm để rảy lên mình tượng Phật rồi hứng nước đã tắm cho Phật để xức cho các nhà sư, tắm cho các đồ vật, cây cối trong chùa. Sau đó mang về nhà xức cho người thân, khách đến thăm nhà vào dịp năm mới. Để tỏ lòng tôn kính, người trẻ xức nước cho người lớn tuổi chúc khỏe mạnh sống lâu.

Trước khi té nước mọi người thường dành cho nhau những lời chúc tốt lành. Người Lào tin là nước sẽ gột rửa mọi xấu xa, bệnh tật và cầu cho năm mới may mắn, tốt lành. Vì vậy, trong những ngày này, ai càng ướt nhiều càng may mắn trong năm mới. Tết té nước cũng còn được coi như cầu mưa vì tháng tư ở Lào cũng nóng như TP.HCM.

Trong ngày tết té nước, người Lào còn cầu cho quanh năm mưa thuận gió hòa, cây cỏ tốt tươi, con người thân thiện. Tết té nước không phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội, tôn giáo, tất cả đều hòa chung không khí của ngày hội cổ truyền.

 

Đoàn đại biểu của dân làng đến thăm và chúc tết - Ảnh: T.THU
Té nước chúc phúc - Ảnh: T.THU
Trẻ em hân hoan trong ngày tết té nước - Ảnh: T.THU

Chúng tôi sống gần gũi với những người dân Lào hiền lành thân thiện nên những ngày Tết Bun Pi May cũng vui náo nức như đang ở nhà đón Tết Nguyên đán. Nhân dân Ban Thong Pong cử một đoàn đại biểu đến thăm và chúc tết anh em chúng tôi. Rầm rộ và vui thích với đủ cả cờ loa, khẩu hiệu, không thể thiếu màn té nước chúc phúc. Rồi sau đó nhạc nổi lên, tất cả chủ và khách rộn ràng trong điệu múa lăm vông…

Trên mỗi ngả đường, chúng tôi có thể được chúc phúc từ bất kỳ ngôi nhà nào, từ bất kỳ người dân Lào nào: cô gái Lào xinh xắn hay những chú bé Lào hồn nhiên lăm lăm những khẩu súng nước…

Chúng tôi còn được mời đi miên man trong những bữa tiệc đón năm mới. Vào ngày tết, người Lào chuẩn bị các món ăn truyền thống để đón năm mới và đãi khách đến thăm nhà. Các món nướng của người Lào đặc biệt hấp dẫn: thịt gà, thịt dê, cá...  Đặc biệt trong ngày tết không thể thiếu món lạp. Theo tiếng Lào, lạp có nghĩa là “may mắn”. Lạp thường được làm từ thịt bò, thịt gà... trộn với thính, gia vị, rau thơm thái nhỏ và nước cốt chanh.

Lạp được dùng trong các bữa tiệc đãi khách quý. Lạp được ăn với xôi truyền thống của người Lào: “ăn xôi, thưởng lạp”. Khách thong thả nắm từng nắm xôi nhỏ trong tay, ăn kèm lạp, tận hưởng hương vị đậm đà của xôi nếp dẻo thơm quyện cùng vị đặc biệt của lạp. Người Lào còn mang lạp đến tặng, biếu nhau trong dịp tết. Nhà nào được biếu nhiều lạp rất vui vì hi vọng một năm mới sẽ có nhiều may mắn. 

 

Đi chúc tết - Ảnh: T.THU
Buộc chỉ cổ tay - Ảnh: T.THU

Người Lào thể hiện lòng yêu quý khách bằng nghi lễ buộc chỉ cổ tay. Đi chúc tết mỗi gia đình được chủ nhà buộc vào cổ tay một vòng chỉ với lời chúc hạnh phúc và sức khỏe. Mỗi người cứ để cả chùm những vòng chỉ đó trong những ngày sau với niềm hi vọng sẽ được may mắn.

Ngày tết Lào càng không thể thiếu các màn múa lăm vông. Nhạc nổi lên, chủ và khách say sưa bước trong những động tác uyển chuyển nhịp nhàng. Không ai ngại ngần vì tấm lòng hiếu khách hồn hậu của chủ nhà.

Mùa lễ hội Bun Pi May lại đến trên đất nước Lào thanh bình yên ả. Nhớ sao những con người hồn hậu chân tình trên xứ sở hoa chămpa…

(Nguồn: TTO)

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

Bí quyết ngủ ngon khi đi du lịch

Một giấc ngủ ngon và tinh thần sảng khoái là việc vô cùng quan trọng khi đi du lịch. Hẳn bạn luôn mu ...

  16/06/2020 17:38

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Khám phá hang động mới ở Quảng Bình

Nhắc đến Quảng Bình, bất kỳ ai cũng nghĩ ngay đến động Phong Nha, động Thiên Đường và hang Sơn Đoòng ...

  27/05/2020 19:40

Khám phá thành phố cổ Bagan

Ở cái xứ nhẹ nhàng và bình yên ấy, buổi sớm mai thật trong trẻo và an nhiên biết bao! Cố đô một thuở ...

  26/05/2020 17:30

Cuộc sống nông dân tỉnh Ibaraki

Trải nghiệm sống cùng nông dân của hiệp hội xúc tiến trải nghiệm thôn quê Hiroura tại thị trấn Ibara ...

  01/04/2020 16:49
pin