Những người đi biển

Khách đến Lisboa, thủ đô Bồ Đào Nha, trong một ngày cuối hè. Lisboa nằm trên cửa sông Tejo, nhìn ra Đại Tây Dương. Khách bỗng nhớ Sài Gòn vô hạn. Sài Gòn cũng là một thành phố lớn, nằm trên cửa sông nhìn ra biển.

  19/03/2008 09:00

Từ một thành phố cực Tây của phương Tây, khách hướng về một miền cực Đông của phương Đông, nhớ lại tiếng mẹ đẻ của mình và thấy lòng xao xuyến.

Phía Đông kia của địa cầu có hai thành phố lớn cũng nằm trên cửa biển mà khách đã biết, đó là Thượng Hải và Sài Gòn. Những thành phố cảng, dù là Thượng Hải, Sài Gòn hay Lisboa, có lịch sử và số phận khác nhau, chúng phản ánh rõ nét nền văn hóa của những dân tộc sống tại đó. Hoạt động của các thành phố cảng thường cho biết quan niệm của các dân tộc đó đối với biển cả, cho thấy hình dung của họ về những gì nằm bên kia đại dương.

Việt Nam cũng như Trung Quốc thuộc về truyền thống của một nền kinh tế nông canh mà đặc trưng từ xưa của nó là tự cung tự cấp. Con người trong xã hội đó thường quanh quẩn trong đất liền, trong xóm làng, đối với họ rừng và biển đều tượng trưng cho sự hiểm nguy. Đối với người Trung Quốc, sông và hồ là biểu tượng của thế gian, “tái xuất giang hồ” là cách nói của ẩn sĩ khi trở lại với xã hội. Trong một nền kinh tế nông canh, biển chỉ là nơi đánh bắt tôm cá ở vùng ven, cảng biển là nơi “khách thương” bên ngoài đến buôn bán. Trong số các khách thương đó có một giống người đặc biệt, đó là người Bồ Đào Nha.

Bồ Đào Nha là dân tộc của những người đi biển. Hơn thế nữa, từ xưa họ là những người chịu bỏ xứ đi tha hương. Lisboa là cảng biển thiên nhiên duy nhất của bán đảo Iberia, từ trước công nguyên đã là một trung tâm chính trị và kinh tế. Lisboa nằm ngay trên cửa biển, hòa nước ngọt của sông Tejo và nước mặn của Đại Tây Dương, mênh mông một màu nước, khơi gợi lòng viễn du của một dân tộc sẵn sàng lên đường.

Thực vậy, kể từ thế kỷ XV, khi tài đi biển của người Bồ Đào Nha lên đến đỉnh cao, quốc gia này bành trướng thành cường quốc số một ở châu Âu, chiếm lĩnh nhiều thuộc địa ở Brazil, châu Phi, Ả-rập, Ấn Độ và Trung Quốc.

Một trang của cuốn từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latinh

Khuôn mặt lịch sử trong thời kỳ đó là Henrique, nhà hàng hải (1394-1460). Là hoàng tử con vua, nhưng Henrique sớm xông pha trên mọi cuộc phiêu lưu và chinh phục trên biển, ông chính là người đặt nền móng cho sự thịnh vượng của đế quốc Bồ Đào Nha. Dưới thời Henrique, nhiều công trình khoa học về ngành hàng hải được phát hiện, như la bàn đi biển, phép tính tọa độ trên biển, phép vẽ hải trình cũng như kỹ thuật đóng tàu.

Sau khi Henrique mất khoảng 40 năm, một người Bồ Đào Nha khác mang tên là Vasco Da Gama (1469-1524), phát huy công trình nghiên cứu của Henrique, lên đường biển đi  Ấn Độ. Năm 1500, Vasco Da Gama lại đi Ấn Độ lần thứ hai, lần này phái đoàn phát hiện thêm xứ Brazil. Chỉ vài năm sau sức mạnh của Bồ Đào Nha lên tới tột đỉnh, đồng thời chiến tranh bắt đầu xảy ra với các nước Ả-rập.

Năm 1511, thuyền nhân Bồ Đào Nha bắt đầu nhắm đến Trung Quốc và Nhật Bản. Họ vòng từ miền Nam Ấn Độ, đi đường biển dọc theo miền Trung Việt Nam để lên đảo Macau. Hẳn họ đã dừng chân tại Hội An để buôn bán và tiếp tế lương thực, nên năm 1524 họ dựng một tấm bia đá ở Cù lao Chàm. Song song, các nhà truyền giáo lần lượt đến Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Trong những năm cuối của thế kỷ XVI, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha của hai dòng thánh Franciso và Augustino đến Việt Nam, nhưng cuối cùng bỏ cuộc.

Alexandre de Rhodes

Đầu thế kỷ XVII, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha lại đến Việt Nam một lần nữa và lần này họ thành công. Dòng Tên chính thức được thành lập ở Đàng Trong năm 1615, Đàng Ngoài năm 1627. Trong giới giáo sĩ Dòng Tên người Bồ có một nhân vật xuất sắc, đóng một vai trò lịch sử trong nền văn hóa Việt Nam, đó là Francisco de Pina. Pina sinh năm 1585, đến Macau năm 1613, đặc biệt rất giỏi tiếng Nhật.

Năm 1617, ông đến Đàng Trong truyền giáo và bắt đầu dịch một số văn bản của Ki-tô giáo ra tiếng Nôm, một thứ chữ Hán được bản địa hóa. Thế nhưng Pina nhận thấy các nhà truyền giáo đồng nghiệp có một khó khăn trầm trọng, đó là họ không sao học được chữ Nôm. Chàng linh mục trẻ tuổi Pina thấy chữ Nôm không thể là phương tiện giao lưu với người bản xứ, ông nghĩ ra một cách đơn giản. Ông thử lắng nghe người Việt phát âm ra sao rồi dùng mẫu tự la-tinh để diễn tả âm tiết theo cách mà tiếng Bồ Đào Nha thường làm.

Đó là thời điểm khai sinh của chữ quốc ngữ của chúng ta ngày nay. Theo lời xác nhận của chính Pina, kể từ năm 1622, ông đã xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự la-tinh cho hợp với thanh điệu và lối phát âm của tiếng nói Việt Nam. Pina cũng soạn cả một tập văn phạm thô sơ cho loại chữ viết mới mẻ này. Có lẽ trên thế giới không nơi nào có một thứ chữ viết được hình thành trong điều kiện như thế.

Năm 1624, Francisco de Pina mở trường dạy tiếng Việt cho các nhà truyền giáo khác. Trong số người đến học với ông có hai vị quan trọng, một người đã lớn tuổi là António de Fontes (1569-?), sinh tại Lisboa. Vị kia chính là Alexandre de Rhodes (1591-1660), sinh tại Avignon, Pháp. Hai vị này lãnh hai trọng trách, de Fontes là cột trụ cho giáo xứ truyền giáo ở Đàng Trong, còn de Rhodes sẽ ra Đàng Ngoài vào năm 1626, lúc đó ở trong thời kỳ của chúa Trịnh Tráng. Một ngày nọ trong tháng 12 năm 1625, một chiếc tàu của Bồ Đào Nha bỏ neo ở vịnh Đà Nẵng, Pina lên tàu để mang hàng hóa vào bờ. Khi đến bờ chẳng may thuyền chìm, Pina chết tại đó, ông chỉ sống được 40 tuổi.

Sau cái chết bi thảm của Pina, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha vẫn tiếp tục xây dựng chữ quốc ngữ mà hai nhân vật có công nhất chính là hai người Bồ, Gaspar do Amaral (1594-1646) và Antonio Barbosa (1594-1647). Còn de Rhodes thì bị chúa Trịnh Tráng trục xuất năm 1630, phải đi Macau. Mười năm sau, năm 1640 de Rhodes trở lại Đàng Trong và đến 1645 bị chúa Nguyễn vĩnh viễn trục xuất khỏi Việt Nam. de Rhodes trở về La Mã và năm 1651 ông cho xuất bản tập Từ điển Việt-Bồ Đào Nha-La-tinh (Dictionarium annamiticum seu tunquinense lusitanum et latinum).

Trong các đời sau, nhiều người tôn Alexandre de Rhodes là người sáng tạo chữ quốc ngữ, nhưng thực ra đó là công của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, mà người đầu tiên phải là Francisco de Pina. Một tình cờ của lịch sử đã đưa các vị giáo sĩ Bồ Đào Nha phát minh ra một loại chữ viết cho cả một dân tộc xa lạ, trong đó họ buộc phải dùng mẫu tự và âm tiết của ngôn ngữ mình để diễn tả một tiếng nói khác, vốn mang đầy thanh âm trầm bổng như tiếng chim. Mục đích ban đầu của chữ quốc ngữ là để cho các nhà truyền giáo nói được tiếng Việt và giao tiếp với cộng đồng tôn giáo mình bằng chữ viết.

Về sau khi các nhà cai trị người Pháp đến Việt Nam, họ cũng không kham nổi chữ Hán lẫn chữ Nôm. Giải pháp thuận tiện của người Pháp là buộc mọi người Việt Nam phải sử dụng chữ quốc ngữ và có lẽ đó cũng là lý do tại sao vai trò của Alexandre de Rhodes được nêu bật. Từ 1930, chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của người Việt. Ngày nay không ai có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không có chữ quốc ngữ.

Trong thời kỳ định hình chữ quốc ngữ tại Việt Nam thì tại bên kia đại dương, đế quốc Bồ Đào Nha đã bắt đầu tàn tạ. Khoảng năm 1580, triều đại nước này tan rã, Bồ Đào Nha bị Tây Ban Nha chiếm đóng khoảng 60 năm. Sau đó các cuộc biến động và nội chiến làm Bồ Đào Nha kiệt quệ và bắt đầu lệ thuộc vào Anh, mất dần các thuộc địa. Tính ra, đế quốc Bồ Đào Nha chỉ tồn tại được khoảng gần hai trăm năm.

Năm 1755, một cuộc động đất khủng khiếp làm tan tành thành phố Lisboa. Trong thời kỳ Phục hưng với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật tại châu Âu, Bồ Đào Nha hoàn toàn bị bỏ rơi. Kể từ năm 1974, sau cuộc cách mạng hoa cẩm chướng, Bồ Đào Nha theo một chế độ đại nghị cộng hòa và ngày nay chỉ là một nước nhỏ yếu của cộng đồng châu Âu.

Mặc dù nước nhỏ nhưng ngày nay Bồ Đào Nha lại là nước nhập cư cho nhiều sắc dân, nhất là cho người Brazil xưa nay vẫn nói tiếng Bồ. Đi giữa phố Bồ Đào Nha ta không hề thấy lạc lõng vì khắp nơi đều có nhiều màu da và tiếng nói khác nhau. Khách đi dạo trên bến tàu bao la của Lisboa để nhớ một thời vương giả của nước này trong năm trăm năm về trước. Lisboa một thời chính là điểm xuất phát của hầu hết mọi chuyến hải trình tại châu Âu.

Nơi đây từng xuất phát biết bao cuộc thám hiểm, viễn chinh, truyền giáo của vô số con người khác nhau. Ngay cả Alexandre de Rhodes cũng từ đây lên thuyền để đi về phương Đông. Quảng trường mênh mông trên bến cảng dường như vẫn còn âm vang tiếng ồn ào của thuyền nhân trước khi lên những chiếc tàu buồm bằng gỗ. Nối với quảng trường là khu vực Baixa, gồm những con đường vuông góc bàn cờ y như Sài Gòn, những ngõ ngách nhỏ hẹp đầy đặc trưng của một thành phố cảng.

Kiến trúc mà ta thấy ngày nay tại Lisboa là công trình xây dựng sau trận động đất năm 1755, nhưng toàn thể địa hình và thành quách cung điện còn sót lại từ xưa cho thấy thủ đô tráng lệ của một thời vàng son Bồ Đào Nha. Mộng ước chinh phục thế giới của họ dĩ nhiên xuất phát từ quyền lợi ích kỷ của dân tộc mình, nhưng những tình cờ của lịch sử làm họ để lại những dấu ấn bất ngờ tại một nước ở phương Đông xa xôi mà ngày nay chính người Việt cũng không mấy ai biết đến.

Mối liên hệ Bồ Đào Nha - Việt Nam chỉ nằm bên lề của lịch sử hai nước nhưng cái còn lại là một thứ chữ viết tuy giản đơn vì lịch sử đặc biệt của nó nhưng ngày nay không còn gì thay thế được nữa. Thứ chữ viết đơn âm và tiếng nói đa thanh đó đã hòa với nhau làm một ngôn ngữ duy nhất.

Nhưng cũng còn nhiều điều làm khách nhớ quê. Trong những ngõ ngách nhỏ hẹp của Lisboa có vô số hàng quán. Trong một quán ăn nào đó, ai gặp may sẽ nghe được một khúc nhạc Fado của người Bồ Đào Nha. Fado, tiếng Bồ có nghĩa là “số phận”, thường rất buồn thảm, diễn tả một nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi, điều mà họ gọi là saudade. Đó là tâm tình và khúc nhạc của người đi biển, kết hợp với âm điệu của dân nô lệ châu Phi của thuở xa xưa.

 Ó gente da minha terra / Hỡi các người của nước ta,
 Agora é que eu percebi / Giờ đây ta mới hiểu,
 Esta tristeza que trago / Nỗi buồn ta đang mang,
 Foi de vós que a recebi / Ta đã nhận lãnh từ người

Đằng sau những chiến công vang dội của đế quốc Bồ Đào Nha thuở đó là nỗi buồn vô tận của người đi biển. “Số phận” của họ là xa quê hương và nỗi hiểm nguy phải bỏ xác tại xứ người. Khách biết rõ, tiếng ồn ào ngày xưa của thuyền nhân trên bến cảng không phải chỉ là tiếng cười hãnh diện của người đi chinh phục mà lẫn vào đó là tiếng khóc thầm của vô số con người không tên.

(Theo: NGUYỄN TƯỜNG BÁCH - Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

Bí quyết ngủ ngon khi đi du lịch

Một giấc ngủ ngon và tinh thần sảng khoái là việc vô cùng quan trọng khi đi du lịch. Hẳn bạn luôn mu ...

  16/06/2020 17:38

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Khám phá hang động mới ở Quảng Bình

Nhắc đến Quảng Bình, bất kỳ ai cũng nghĩ ngay đến động Phong Nha, động Thiên Đường và hang Sơn Đoòng ...

  27/05/2020 19:40

Khám phá thành phố cổ Bagan

Ở cái xứ nhẹ nhàng và bình yên ấy, buổi sớm mai thật trong trẻo và an nhiên biết bao! Cố đô một thuở ...

  26/05/2020 17:30

Cuộc sống nông dân tỉnh Ibaraki

Trải nghiệm sống cùng nông dân của hiệp hội xúc tiến trải nghiệm thôn quê Hiroura tại thị trấn Ibara ...

  01/04/2020 16:49
pin