Đi chợ phiên truyền thống Hàn Quốc

Không chỉ là tập quán, chợ phiên truyền thống trên xứ sở kim chi từ lâu đã trở thành điểm văn hóa hấp dẫn khách quốc tế. Đi chợ phiên vì thế đã trở thành thú vui dù tôi mới đặt chân tới Hàn Quốc không lâu.

  02/05/2012 09:23
 

 

Chợ truyền thống là nơi duy nhất bạn có thể tìm thấy hầu hết các món ăn vặt. Chúng được bán trong các cửa hàng nhỏ hoặc xe đẩy quanh chợ, với giá chỉ 500 won một bánh - Ảnh: Nguyễn Dịu

 

Nói là chợ phiên bởi lẽ trên khắp đất nước từ thành phố đến các vùng nông thôn, chợ chỉ được mở định kỳ và cố định, không có khu chợ nào mở liền suốt tháng quanh năm. Các phiên chợ thường mở vào các ngày chẵn (như ngày 5, 10, 15, 20) của mỗi tháng. Hoặc mở theo hình thức cách ngày (có chợ cứ năm ngày một phiên, có chợ lại sáu hoặc bảy ngày mở phiên tiếp theo).

 

Hàn Quốc được mệnh danh là mảnh đất của truyền thống và hiện đại xen kẽ. Bên cạnh những tòa nhà cao tầng sang trọng, những khu mua sắm giải trí tiện nghi được xếp vào danh sách đầu của thế giới, xứ sở Cao Ly cũng lưu giữ không ít  giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Một trong những nét văn hóa truyền thống thu hút đó là chợ phiên.

Có vẻ những khu chợ ở đây không đơn thuần là nơi tụ họp mua sắm của người dân địa phương. Mỗi thành phố lớn nổi bật lên một khu chợ đông đúc, được coi là điểm thu hút du lịch, như chợ Sinpo ở thành phố Incheon (bên cạnh thủ đô Seoul), chợ Jagalchi của thành phố Busan, chợ Nangman (thành phố Chuncheon), chợ Oncheon (thành phố Onyang), chợ Namchang (thành phố Ulsan)…  

Một số khu chợ lớn thường chỉ bán buôn. Nếu có dịp tới đó, chắc hẳn bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên với những kho hàng khổng lồ, những lô cốt dài chỉ toàn là trái cây hoặc bạt ngàn vải vóc.

Phần lớn chợ bán lẻ được mở tại những thành phố lớn, gần bãi biển, khu du lịch hoặc chợ nhỏ trong khu dân cư. Tới đó bạn có thể chọn lựa từ các món ăn vặt độc đáo, món ăn truyền thống của người Hàn, các loại rau quả, sâm, linh chi hoặc nhiều món nữ trang, lụa, đồ thêu.

Điều đặc biệt là đồ lưu niệm cho khách du lịch được bày bán nhiều tại những phiên chợ này, những món đồ mang đậm bản sắc mỗi địa phương và rất đa dạng từ đồ gốm, sơn mài, vòng đá, váy hanbok truyền thống, các loại nấm và sâm được đóng gói phù hợp cho du khách đi đường.

 

Cá biển (hwae) là mặt hàng phổ biến nhất tại các khu chợ lớn, nhỏ - Ảnh: Nguyễn Dịu

 

 

Các loại bánh truyền thống như bánh gạo tteokbokki, songpyeon, bánh maejakgwa… được bán rất nhiều tại chợ - Ảnh: Nguyễn Dịu

 

 

Kim chi (banchan) được muối nhiều kiểu, bán theo túi với giá 3.000 won. Hầu hết các món đồ tại chợ phiên như trái cây, cá, đậu… đều được bán theo mớ, đếm hoặc áng chừng (không bán theo cân) - Ảnh: Nguyễn Dịu

 

 

Tại chợ phiên truyền thống, hàng trong nước đặc biệt là các loại nông sản (thịt heo, thịt bò, trái cây, gạo, đậu) rất được coi trọng, người bán thường dùng chữ “hàng nội địa” như một lợi thế quảng cáo. Chúng được bán với giá cao hơn hẳn, thậm chí cao gấp đôi so với hàng nhập khẩu. Trong ảnh là các loại nước tương làm từ đậu Hàn Quốc - Ảnh: Nguyễn Dịu

 

 

Trà hoa truyền thống Hàn Quốc là món quà mà nhiều khách du lịch ưa chuộng - Ảnh: Nguyễn Dịu

 

Như một thói quen đầy tính văn hóa, tại chợ phiên những câu nói quen thuộc “anyong haseyo”, “gamsa hamnida” (“chào tạm biệt” và “cảm ơn”) trở nên quen thuộc với những người chủ hàng. Họ nói như vậy sau khi khách ra khỏi cửa hàng, dù khách có mua hàng hay không và dù cửa hàng đó lớn hay nhỏ.

Cũng có một số phiên chợ truyền thống được “độc đáo hóa” và trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách yêu mến Hàn Quốc. Chợ phiên Seoul được diễn ra mỗi năm một lần, trong khoảng năm ngày vào mùa thu. Đây được coi như một “lễ hội chợ truyền thống” hằng năm, là nơi tụ họp đông đúc của nông dân, tiểu thương và đông đảo khách du lịch.

Chợ Tongin (tại trung tâm thủ đô Seoul) được ví như một bàn tiệc buffet, khách hàng có thể đi vòng quanh chợ và chọn món thỏa thích chỉ với 500 won mỗi lần. Ngoài ra có chợ thời trang Gwangjang (Seoul) hay chợ Yangdong của thành phố Gwangju.

Dù mới đặt chân tới Hàn Quốc ít ngày, tôi không quá khó khăn để tìm đến những khu chợ trong vùng và lân cận. Bởi danh sách và bản đồ hướng dẫn về chợ phiên được đăng rộng rãi trên bất kỳ website du lịch nào, tại các bến đỗ xe buýt, điểm công cộng.

 

Nấm và sâm cũng rất đa dạng, được bán phổ biến trong bất kỳ khu chợ truyền thống nào - Ảnh: Nguyễn Dịu
 
Áo hanbok truyền thống được nhiều khách du lịch lựa chọn như một món quà kỷ niệm - Ảnh: Darika
 
 

 

Hoa lá, cây cảnh cũng được bày bán trong chợ phiên - Ảnh: Nguyễn Dịu
 

Có thể nói chợ phiên Hàn Quốc được mở và hoạt động rất bài bản, từ việc xây dựng những gian hàng, bố trí mặt hàng hay hệ thống lối đi rất tiện lợi cho người đi bộ. Dù thế nét đặc trưng trong văn hoá cũng không bị mất đi.

Có lẽ đó là điều giải thích khi nét bình dị, đơn giản của chợ phiên xứ Hàn lại thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế đến như vậy.

(Nguồn: TTO)

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

Bí quyết ngủ ngon khi đi du lịch

Một giấc ngủ ngon và tinh thần sảng khoái là việc vô cùng quan trọng khi đi du lịch. Hẳn bạn luôn mu ...

  16/06/2020 17:38

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Khám phá hang động mới ở Quảng Bình

Nhắc đến Quảng Bình, bất kỳ ai cũng nghĩ ngay đến động Phong Nha, động Thiên Đường và hang Sơn Đoòng ...

  27/05/2020 19:40

Khám phá thành phố cổ Bagan

Ở cái xứ nhẹ nhàng và bình yên ấy, buổi sớm mai thật trong trẻo và an nhiên biết bao! Cố đô một thuở ...

  26/05/2020 17:30

Cuộc sống nông dân tỉnh Ibaraki

Trải nghiệm sống cùng nông dân của hiệp hội xúc tiến trải nghiệm thôn quê Hiroura tại thị trấn Ibara ...

  01/04/2020 16:49
pin