Bonn - vị “mệnh phụ” bí ẩn

Năm năm trước, khi chuyển từ Sài Gòn đến vùng ngoại vi thành phố Bonn sinh sống, cảm giác đầu tiên của tôi là nơi đây quá tĩnh lặng và vắng vẻ. Cũng bằng ấy thời gian, một tháng đôi ba lần, tôi tha thẩn dạo bước trên nhiều ngõ ngách của Bonn. Ở đây lâu ngày, tôi nhận ra Bonn như một mệnh phụ cổ điển, giữ trong mình quá khứ với đủ mọi thăng trầm.

  07/05/2009 09:32



Điều đó hằn dấu trên những pháo đài, lâu đài và nhà thờ trên sườn hoặc đỉnh núi. Chúng tồn tại ở đó từ hàng trăm năm như thách thức với thời gian. Năm 1989, lễ kỷ niệm 2.000 năm thành lập là dấu son để người dân ở đây tự hào về Bonn, thành phố khởi nguồn từ một thành trì La Mã cổ đại.

Bonn - “thành phố Liên Hiệp Quốc”

Khúc sông Rhein, đoạn thuyền chuẩn bị đi vào địa phận thành phố Bonn

Có nhiều giai thoại xung quanh việc nước Đức đã chọn Bonn làm thủ đô, ví dụ các thành viên chính phủ bất bình với việc tập quyền tại Berlin hay gần đó có quê hương của ngài thủ tướng đầu tiên. Tuy nhiên, lý do chính thống nhất là sau Chiến tranh thế giới thứ II, phần Tây Berlin thuộc Cộng hòa Liên bang Đức nằm lọt thỏm giữa Cộng hòa Dân chủ Đức nên không thích hợp làm thủ đô.

Ngày 3-11-1949, Quốc hội đã quyết định chọn Bonn làm thủ đô và đến năm 1991 mới lại chuyển về Berlin. Hiện nay, vẫn còn sáu bộ và nhiều cơ quan nhà nước đặt trụ sở tại đây, tạo thành thế liên minh chính trị Bonn-Berlin.

Trường đại học Bonn là khối kiến trúc màu vàng kéo dài từ bờ sông vào trung tâm thành phố

Trong hành trình khám phá Bonn, thú vị nhất là khi cắt ngang thành phố bằng “con đường” bên trong quần thể kiến trúc rộng lớn của Trường đại học Tổng hợp Bonn. Trường được xây dựng từ năm 1786 có chức năng ban đầu là viện hàn lâm. Đến năm 1818, nó chính thức chuyển thành trường đại học tổng hợp.

Đi vào trường ở trung tâm thành phố là bắt đầu một hành trình khám phá thú vị về một kho tri thức to lớn của nhân loại vì ở đây có Bảo tàng Ai Cập, nơi trưng bày trên 3.000 hiện vật nguyên bản, Bảo tàng Mỹ thuật hàn lâm với bộ sưu tập di vật khảo cổ đa dạng, Bảo tàng Toán học với điểm nhấn là bộ sưu tập máy tính phong phú, ngoài ra còn có Goldfuß lưu giữ những động thực vật hóa thạch và Mineralogische Museum - nơi trưng bày các loại đá ngọc và thiên thạch…

Có lẽ vì có sẵn tất cả các yếu tố hạ tầng và quá khứ 40 năm là thủ đô nên Bonn được nhiều trụ sở, văn phòng trực thuộc Liên Hiệp Quốc chọn là nơi đặt trụ sở. Cửa ngõ vào Bonn ngày đêm tung bay hàng trăm lá cờ như lời đón chào nồng nhiệt. Màu sắc cờ được thay đổi theo chủ đề các cuộc hội họp của những tổ chức ấy lại mang đến cho Bonn bộ mặt tươi trẻ và như ngầm giới thiệu về danh xưng mới của mình: “thành phố Liên Hiệp Quốc” bên sông Rhein.

Bảo tàng Đức - cái nhìn toàn diện về nước Đức hiện đại

Bảo tàng Hoàng đế Alexander

Trong hệ thống phong phú các bảo tàng của Bonn, nơi đầu tiên chúng tôi ghé thăm là Bảo tàng Đức. Sau này, mỗi khi đi ngang qua nơi ấy trong tôi lại cồn lên một nỗi rất thân quen vì trong ấy còn có “một thoáng Việt Nam”.

Một người bạn Đức đã nói chắc nịch: “Nếu muốn hiểu tường tận về nước Đức hiện đại, hãy đến đây!”. Chỉ cần hơn năm phút ngồi tàu điện ngầm từ trung tâm mua sắm của Bonn là đến được nơi này. Chính con tàu ấy đã nhiều lần chở Hitler và bộ máy cầm quyền của chế độ phát xít. Dọc theo thân tàu, qua ô cửa kính chiếc bàn làm việc với máy đánh chữ, sách báo, nơi hội họp vẫn được giữ nguyên từ thời kỳ ấy.

Rời khỏi ga tàu đi lên mặt đất là gặp ngay Bảo tàng Đức, còn được gọi bằng tên khác là “Nhà Đức”. Ý tưởng thiết kế không gian như đưa khách vào một con đường mà đầu đường là thời điểm sau Chiến tranh thế giới thứ II. Những đống gạch đá, mũ chiến đấu, vũ khí nằm ngổn ngang dưới sàn liên hoàn với những bức ảnh khổ lớn treo trên tường chụp cảnh nước Đức hoang tàn, đổ nát.

Các tháp đèn trên mái của bảo tàng Mỹ thuật Bonn

Tiến sâu hơn chút nữa là sự khôi phục mạnh mẽ cả về vị thế chính trị và kinh tế của đất nước này trong hai thập niên 1960-1970. Các ngành công nghiệp làm nên thương hiệu “Made in Germany” cũng được giới thiệu cặn kẽ, ví dụ chiếc xe công vụ Mercedes-Limousine của thủ tướng Tây Đức đầu tiên có biển số 0-2 trong phần giới thiệu lịch sử và các cuộc cách mạng trong ngành công nghệ chế tạo xe hơi.

Chúng tôi sửng sốt khi bắt gặp bức ảnh khổ lớn chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bên dưới dòng chữ “Việt Nam”. Hóa ra, ngoài việc giới thiệu về đất nước Đức được các nhà thiết kế làm theo mô hình xương cá, có những nhánh rẽ nhỏ để du khách biết thời điểm ấy trên thế giới xảy ra sự kiện gì nổi bật.

Cuộc chiến đấu giành độc lập của nhân dân Việt Nam được bố trí hẳn một gian riêng. Khi nhấn vào quả địa cầu, ngay chỗ có hình dạng chữ S trên màn hình máy tính, lập tức những thước phim tư liệu hiện ra cùng các số liệu khai quát về cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta. Con số khoảng một triệu du khách thăm Bảo tàng Đức mỗi năm có nghĩa là số lượt người ấy đã biết thêm về Việt Nam qua “Nhà Đức”.

Lễ hội và chợ đồ cũ

Quang cảnh một phiên chợ đồ cũ ở Bonn

Từ mùa xuân đến mùa hè, các lễ hội ngoài trời ở Bonn nở rộ mà màn khởi đầu là Karneval (lễ hội hóa trang). Dù không nổi tiếng như ở thành phố Kôln, nhưng Bonn có ưu thế là nơi có đại bản doanh của hãng kẹo dẻo nổi tiếng Haribo. Vì thế, hãng này luôn ưu ái dành cho Karneval tại Bonn nhiều tấn kẹo để các đoàn xe diễu hành tung ra tặng du khách.

Vào mỗi thứ Bảy thuộc tuần thứ ba trong tháng là Flohmarkt (chợ đồ cổ và đồ cũ có quy mô lớn nhất nước Đức) mở cửa. Chợ trải dài nhiều cây số dọc theo những lối đi của Công viên Rheinaue. Ở đó, người ta bán và mua với câu đùa vui “Người chán bán cho người cần”. Hàng hóa ở đây đúng là thượng vàng hạ cám, từ các bức tranh, tác phẩm mỹ thuật, vật dụng cổ xưa hiếm, quý, đắt tiền cho tới những đồ vật bình thường và cả những đồ vật không biết dùng… để làm gì!

Cứ mỗi độ thu sang, là các nghệ sĩ đủ màu da, sắc tộc hội tụ về Bonn. Họ hội tụ tại ngôi nhà nơi sinh trưởng của nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig van Beethoven - người con ưu tú của Bonn và nước Đức - để tham gia Beethovenfest. Bốn tuần liên tục khi đất trời đỏ vàng sắc lá, khắp không gian Bonn đâu đâu cũng vang vọng âm thanh thuộc những bản nhạc bất hủ của Beethoven.


Vào cuối tuần đầu tiên của tháng 5, Bonn có một đêm rực rỡ bởi những màn bắn pháo hoa trong truyền thống “Sông Rhein trong lửa”. Hàng trăm con thuyền được trang trí đèn lộng lẫy chở khách đi lại trên sông. Hàng ngàn người khác háo hức đợi ở đôi bờ của Rhein. Khi màn đêm buông xuống, vào khoảng 10g, các tàu đều thả neo giữa sông.

Lặng lẽ ngắm Bonn soi bóng lung linh trên mặt nước sông Rhein vào những đêm huyền ảo như thế, tôi thường nhớ lại ấn tượng của mình khi mới đến đây. Vị “mệnh phụ” này quả thật lạ kỳ bởi càng khám phá, càng thấy nó bí ẩn hoài.

(Nguồn: DNSGCT)

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

Bí quyết ngủ ngon khi đi du lịch

Một giấc ngủ ngon và tinh thần sảng khoái là việc vô cùng quan trọng khi đi du lịch. Hẳn bạn luôn mu ...

  16/06/2020 17:38

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Khám phá hang động mới ở Quảng Bình

Nhắc đến Quảng Bình, bất kỳ ai cũng nghĩ ngay đến động Phong Nha, động Thiên Đường và hang Sơn Đoòng ...

  27/05/2020 19:40

Khám phá thành phố cổ Bagan

Ở cái xứ nhẹ nhàng và bình yên ấy, buổi sớm mai thật trong trẻo và an nhiên biết bao! Cố đô một thuở ...

  26/05/2020 17:30

Cuộc sống nông dân tỉnh Ibaraki

Trải nghiệm sống cùng nông dân của hiệp hội xúc tiến trải nghiệm thôn quê Hiroura tại thị trấn Ibara ...

  01/04/2020 16:49
pin