Cao nguyên Tây Tạng có diện tích khoảng 1.200.000 km2, nằm ở độ cao gần 5000m, là một vùng đất rộng lớn và cao nhất
Trung Hoa. Được mệnh danh là "mái nhà của thế giới" với những rạng núi cao nhất hành tinh như dãy Hymalaya với đỉnh Everest, cao nguyên Tây tạng được hình thành do quá trình thành kiến tạo và va chạm của các mảnh địa chất trên bề mặt vỏ quả đất từ hàng triệu năm trước mà thành. Vì vậy, cho đến nay người ta vẫn còn thấy nhiều dấu vết của các loài động vật biển hóa thạch cùng nhiều hồ nước mặn trên khắp vùng đất thảo nguyên mênh mông.
Trung tâm của cao nguyên Tây Tạng chính là thành phố L’hasa, nơi được mệnh danh là “thánh địa Phật giáo”. L’hasa, theo tiếng địa phương có nghĩa là “đất bùn của dê” do nguồn gốc xây dựng thành phố trên đất bùn, do các chú dê vận chuyển đến. Lhasa là một di sản văn hóa nổi tiếng thế giới được bắt đầu xây dựng từ khoảng năm 637 trên một ngọn đồi có tên là Mabuge với độ cao cách biệt với bề mặt thành phố là 91m. Đến Tây Tạng, du khách không thể bỏ qua cơ hội khám phá những công trình kiến trúc đặc sắc, trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến cung điện Potala. Potala còn được gọi là Cung điện
mùa hè của Đạt Lai Lạt Ma. Cung điện có 13 tầng với khoảng 1.000 phòng, 10.000 miếu thờ và lăng mộ của 8 vị Đạt Lai Lạt Ma, nhìn xuống thành phố Lhasa ở hướng nam. Potala được xây dựng chủ yếu bằng đất, đá và gỗ (do dê và sức người chở đến). Cung điện đươc chia thành 2 cung nhỏ là Bạch Cung (White Palace) và Hồng Cung (Red Palace). Ngoài nét kiến trúc độc đáo, cung điện Potala còn nổi tiếng với các bức tranh quý giá đang được trưng bày tại đây. Cung điện được xây dựng vào thế kỷ thứ VII, đánh dấu bởi cuộc hôn nhân chính trị gắn kết hai dân tộc Hán - Tạng lại với nhau với vai trò của quốc vương xứ Thổ phồn Songzanganbun và Văn Thành công chúa (nước Đại Đường).
Bên cạnh Potala, Tây Tạng nói chung và L’hasa nói riêng còn nổi tiếng với những ngôi chùa Đại Chiêu tự (Jokhang) được xây dựng từ năm 693, nằm ngay tại trung tâm Lhasa, với khu vườn rộng 100 mẫu Anh và 370 phòng. Đây vừa là ngôi chùa cổ, vừa là tu viện nổi tiếng của Phật giáo Tây Tạng. Chùa Đại Chiêu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, và là điểm hành hương thiêng liêng của các tín đồ Phật giáo khi đến với Tây Tạng. Ngoài chùa Đại chiêu, Tây Tạng còn nổi tiếng với đại cổ tự Tashilumpo (thuộc thành phố Shigatse), cách L’hasa khỏang 225 km về phía tây. Cổ tự được xây dựng vào năm 1447, là nơi ở của các vị Đạt Lai Lạt Ma.
Du khách còn biết đến Thiền viện Drepung, nơi gắn liền với tên tuổi của tông phái Hoàng đạo do Tông Khách Ba (Tsong-Kha-Pa) sáng lập nên. Đây là nơi học tập của hàng trăm ngàn tăng sỹ từ khắp nơi trên vùng đất Tây Tạng. Du khách cũng sẽ thực sự ngạc nhiên khi nhìn thấy hình ảnh của những đoàn người hành hương với sự thành tâm cung kính trong bộ dạng tiều tụy và rách rưới. Đó chính là hình ảnh của thánh tăng Hư Vân (1840-1959) mà theo sách sử cho biết ngài đã thực hiện chuyến hành trình “tam bộ nhất bái” (ba bước một lạy) từ Phổ Đà sơn về Ngũ Đài sơn với tổng đoạn đường dài trên 2.500km.
Có thể nói, tôn giáo là nền tảng cơ bản để người Tây Tạng tồn tại, vì vậy hình ảnh những ngôi chùa, những vị tăng trong màu áo nâu được nhìn thấy khắp nơi trên vùng đất thảo nguyên đầy gió và cát, cùng những điều huyền bí của nơi được mệnh danh nóc nhà thế giới này.
Thanh Trúc