Địa điểm tổ chức xòe vòng có thể là ở sân nhà, trên sân khấu, dưới gốc cây hoặc trên sân bãi. Một vài chục người thì làm một vòng xòe, dăm bảy trăm người trở lên có thể chia ra nhiều vòng hay xếp vòng trong, vòng ngoài, nhiều nơi còn chia vòng theo lứa tuổi. Tay trong tay, vai kề vai, chân người nọ dịch bước theo chân người kia trong không khí, tình cảm say sưa, đầm ấm của vòng xòe, đêm xòe. Động tác, đội hình xòe đều rất giản dị, các tạo hình và động tác, tính chất nhịp nhàng của độ nhún, bước đi của vòng xoè rất gần gũi với nhiều động tác hoạt động của con người trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Nói chung, nhịp xòe nhẹ nhàng uyển chuyển, nhưng đôi khi do không khí cuộc vui thôi thúc, mọi người vỗ tay, nhảy lên, hú lên rất náo nhiệt. Cũng có những động tác như người trực tiếp xòe, người đánh trống, đánh chiêng rất uyển chuyển, lúc mạnh, lúc nhẹ và có sức lôi cuốn mạnh mẽ.
Âm nhạc và dàn nhạc của xoè vòng thông thường là một chiếc trống, 2 hoặc 3 cái chiêng, một đôi chũm chọe và mấy ống tre dỗ trên máng gỗ. Có khi còn dùng cả pí, khèn bè, tính tẩu. Cũng là dàn nhạc và nhịp điệu ấy, nhưng tuỳ lúc và tính chất buổi xòe mà cách đánh và chuyển âm khác nhau.
Vừa xòe vừa hát có láy đuôi “Au hang” sau mỗi câu hát là hình thức phổ biến. Tính chất nhịp nhàng, triền miên của xòe kết hợp với hát đối, hát kể chuyện, hoặc hát chúc mừng làm cho cuộc xòe càng thêm hấp dẫn. Niềm vui lớn nhất trong vòng xòe là tập thể đoàn kết thân ái. Tay nắm tay, vai sát vai, người ta có thể chuyện trò, tâm sự riêng với nhau mà không hề ảnh hưởng đến tình cảm chung của tập thể. Trong vòng xòe, tình cảm riêng được đặt trong tình cảm chung. Tình cảm tập thể tạo cơ hội cho tình cảm riêng phát triển.
Có thể nói, xòe vòng bắt nguồn từ đời sống lao động của nhân dân và được ra đời từ rất xa xưa. Qua các giai đoạn lịch sử, xòe vòng được phát triển và cho đến ngày nay xòe vòng vẫn không cũ, không mòn. Sức hấp dẫn, đậm đà tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc của âm nhạc xòe vòng luôn có sức mạnh mới, thoả mãn nhu cầu của mọi người và được sử dụng rất linh hoạt, rộng rãi, phục vụ nhiều mặt sinh hoạt của xã hội. Là điệu xòe quần chúng, nhưng xòe vòng lại giữ vai trò như một điệu múa gốc trong nền nghệ thuật múa Tây Bắc. Qua tìm hiểu, hiện nay vẫn còn lưu giữ được 5 điệu xòe cơ bản sau:
Thứ nhất: Xòe “Khăm khăn mơi lẩu” (nâng khăn mời rượu). Động tác uyển chuyển, hai tay nâng khăn mời rượu. Biểu đạt tình cảm và tấm lòng của chủ nhà với khách quý vì chén rượu đậm đà men lá rừng, men tình người.
Thứ hai: Điệu xòe “Nhôm khăn” (xòe tung khăn), khăn piêu được quàng qua cổ, hai tay cầm khăn piêu tung lên theo nhịp chân nhẹ nhàng, uyển chuyển, thể hiện niềm vui đạt được thành quả lao động và sự khéo tay thêu chiếc khăn piêu, đức tính cần cù của người phụ nữ Thái.
Thứ ba: xòe “Đổn hôn” (xòe tiến lùi): Chiếc khăn piêu quàng cổ, hai tay xòe trước mặt, chân bước uyển chuyển, nhẹ nhàng, thể hiện tình cảm sắt son của con người đối với nhau trong cộng đồng không bao giờ thay đổi.
Thứ tư: điệu xòe “Pha xi” (xòe bổ bốn), vòng xòe được tách ra từng nhóm 4 người một, cầm tay nhau, hướng mặt vào nhau… Thể hiện tấm lòng và ý chí luôn hướng về cội nguồn.
Thứ năm: xòe “Ỏm lọm tốp mư” (vỗ tay múa vòng tròn). Điệu xòe thể hiện niềm vui, mừng ngày mùa bội thu, mừng nhà mới, năm mới, trai gái dựng vợ gả chồng.
Không chỉ là sản phẩm tinh thần quý giá trong đời sống xã hội, mà xòe vòng còn có vị trí đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu, xây dựng nghệ thuật múa dân tộc Việt Nam. Xòe vòng đã, đang và tiếp tục phát triển.
(Nguồn báo Yên Bái)