Phục dựng lễ hội Cầu Ngư: Một không gian lễ hội thật sự

Tại Festival biển 2007, lần đầu tiên lễ hội Cầu Ngư sẽ được phục dựng và sân khấu hóa với những nghi thức long trọng, hoàn chỉnh, hứa hẹn sẽ đem đến cho khách tham quan một không gian lễ hội thật sự.
 

  15/06/2007 11:30
Lễ hội Cầu Ngư - Lễ hội biển tiêu biểu
Theo nhạc sĩ Hình Phước Liên, tác giả kịch bản và Tổng đạo diễn chương trình, lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa là lễ hội biển tiêu biểu và phổ biến nhất của cư dân vùng biển Khánh Hòa, bắt nguồn từ tục thờ cá Ông Voi. Thực chất lễ hội Cầu Ngư là ngày giỗ của Cá Voi mà người dân cung kính gọi là Nam Hải Tướng quân hay Ông Nam Hải (Theo sắc phong của triều đình nhà Nguyễn do cung kính gọi là Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần).
Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa được tổ chức tại các làng biển có lăng Ông Nam Hải và thường kéo dài 3 ngày 3 đêm, bắt đầu từ ngày “Ông Lỵ” - ngày xác cá Ông chết tấp vào vùng biển. Lễ hội Cầu Ngư gồm nhiều nghi thức: Lễ rước sắc (hoặc rước Long Đình có bài vị Ông Nam Hải) được tổ chức theo hình thức đám rước đầy tính hội hè; lễ nghinh thủy triều (Lễ Nghinh Ông) là nghi thức rước hồn Ông Nam Hải về lăng, gọi là “Phụng nghinh hồi đình”. Đây là nghi thức độc đáo của lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa được diễn ra như hình thức đám rước trên biển; lễ tế chánh với nghi thức tế lễ cổ truyền gồm 39 bước bái tế và phần đọc văn tế; lễ khai diên (đại bái); Thứ lễ và lễ tôn vương được diễn ra như một hình thức “hoạt cảnh lớn” nhằm ca ngợi công đức Tôn Thần và cầu mong “Quốc thái dân an”. Đây là nghi lễ cuối cùng khép lại phần lễ để chuyển sang phần hội.
Đặc biệt, trong lễ hội Cầu Ngư bao giờ cũng phải có “Hò Bá Trạo” - một trò diễn dân gian gồm các hình thức: hát, múa… được ví như phần hồn của lễ hội Cầu Ngư. Hò Bá Trạo được diễn trước điện thờ trước khi nhập sắc Ông vào điện, trong lễ Nghinh Ông và sau lễ tế chánh…
Tại lễ hội Cầu Ngư Khánh Hòa người ta còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đập ấm, đá gà, múa lân, chơi bài chòi, ăn uống… và bao trùm hết thời gian hội là hát bộ với vở Tuồng pho. Với những nghi thức này, lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa rất nhộn nhịp và vui vẻ, yếu tố hội hè nổi trội hơn bất cứ lễ hội nào ở Khánh Hòa, mặc dù chỉ tiến hành ngay tại lăng Ông của một làng biển.
Phục dựng lễ hội Cầu Ngư
 
 
Nhạc sĩ Hình Phước Liên cho biết: “Từ nguyên mẫu lễ hội Cầu Ngư, chúng tôi sẽ phục dựng lại lễ hội này theo hướng tinh lược các nghi thức thực tế, tăng cường và tổ chức lại phần hội và sân khấu hóa toàn bộ lễ hội nhằm giới thiệu cho du khách và nhân dân toàn bộ thần thái và diễn tiến của lễ hội trong khoảng thời gian từ 15 giờ đến 22 giờ 30 ngày 15-6 tại công viên bờ biển”.
Sẽ có đến hơn 700 người cùng tham gia đám rước và phục dựng lễ hội Cầu Ngư. Đó là các bô lão, đội Bá Trạo, đám rước của 4 phường: Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, Xương Huân, Câu lạc bộ Lân - sư - rồng của Trung tâm Văn hóa - Thông tin, Đoàn Tuồng Phước Thành (Nha Trang), Nhà hát Nghệ thuật Tuồng Khánh Hòa…
Không gian tổ chức lễ hội tại công viên ngã ba đường Nguyễn Chánh (Nha Trang) gồm khu sân khấu và khu ẩm thực dân gian, triển lãm ảnh nghệ thuật và khu trò chơi dân gian. Khu sân khấu dành để tiến hành các hoạt động phần lễ: Hò Bá Trạo, múa lân rồng và biểu diễn tuồng. Khu vực này được thiết kế như một ngôi lăng Ông Nam Hải gồm Điện thờ ông Nam Hải, sân rộng, Võ ca (sân khấu). Khu ẩm thực dân gian nằm ở phía phải sân khấu gồm các gánh hàng rong bán các món ăn dân gian đặc trưng ở Khánh Hòa như bún lá, nem nướng Ninh Hòa, bánh ướt Diên Khánh, bánh xèo, bánh bèo… và những món ăn dân gian khác. Khu trò chơi dân gian sử dụng cho cả cờ người, bài chòi, các trò chơi dân gian…
Chương trình sẽ bắt đầu từ 15 giờ bằng lễ rước sắc, xuất phát từ 4 ngôi đình thờ Ông Nam Hải: đình Cù Lao, đình Xương Huân (ở phía Bắc) và đình Trường Đông - Vĩnh Trường (ở phía Nam). 2 đoàn rước này gồm xe hoa (thuyền rồng) đội lân, cờ lệnh, lọng che, long đình, Ban tế lễ, đội nhạc lễ vừa đi vừa múa lân và tấu nhạc.
Trong lễ hội Cầu Ngư cũng như các lễ hội dân gian khác ở miền Nam Trung bộ và Khánh Hòa, sau Tế chánh thì Thứ lễ là quan trọng nhất. Vì vậy, theo nhạc sĩ Hình Phước Liên, trước khi làm Thứ lễ thì phải tổ chức lễ Khai Diên (hay còn gọi là Đại bái). Phần Khai Diên sẽ do một diễn viên tuồng có tiếng tiến hành với nhiều nghi thức rất độc đáo. Và trong lần phục dựng này sẽ cố gắng giữ nguyên nghi thức này, đồng thời đưa thêm lời bình để người xem hiểu được ý nghĩa của Khai Diên và Thứ lễ. Trong phần phục dựng lễ Tôn Vương, đạo diễn sẽ cố gắng phục hồi và nâng cao để “Tôn Vương” có thể trở thành một tiết mục nghệ thuật hấp dẫn người xem mà không mất đi cái gốc của nó.
(Theo BKH)
 
Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

'Đánh rơi' yêu thương ở miền cao Y Tý

Ở miền cao Y Tý, mây quấn núi, núi ấp ôm mây… đẹp như một giấc mơ mà ai cũng muốn một lần “chạm” đến ...

  04/06/2020 17:31

Khám phá Măng Đen - 'Đà Lạt thứ 2' ở Tây Nguyên

Tây Nguyên - vùng đất đầy nắng và gió với thảo nguyên bạt ngàn, dãy đồi trập trùng vô tận, vườn trà, ...

  04/06/2020 17:03

Chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung, phát huy thế mạnh du ...

  30/05/2020 18:23

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Nét đẹp văn hóa Hoàng Su Phì

Ngoài Đồng Văn, Hà Giang còn có Hoàng Su Phì thơm ngọt mùa lúa và ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc. ...

  27/05/2020 20:03
pin