Mâm ngũ quả ngày Tết

Tết, hầu như không gia đình nào lại thiếu được mâm ngũ quả cũng như thiếu bánh chưng xanh, dưa hành, cành hoa, đôi nến. Nó là sản vật quê hương quen thuộc, có quanh năm hoặc mang tiếng nói của mùa này, vùng khác.

  05/01/2009 11:38



Mâm ngũ quả có nải chuối tiêu, còn xanh, một mầu óng ả, quả nây đều, cái "đầu ruồi" chưa rụng. Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy nắng sương đọng thành quả ngọt. Cam Thanh Hà tròn, da đỏ au, bày ngũ quả đẹp như tranh. Cam Bố Hạ mới là quả quý. Nó còn gọi là cam sành vì da sần sùi, ánh xanh chưa tan hết thì mầu vàng đã hiện, xen vào nhau, hòa vào nhau như một thứ sành già lửa, một gam mầu của họa sĩ tài hoa, có thể mua ở mọi quầy hoa quả, nhưng cũng có thể gặp thứ quả tươi vừa hái, đựng trong những cái lồng tre, lồng nứa còn xanh, đan mắt lục lăng của người Bắc Giang, Bố Hạ về Hà Nội sắm tết, mang theo ít cam làm tiền quà bánh tàu xe. Cam Vinh (Xã Ðoài) tròn quả, vàng tươi, nay có thêm quít tàu tròn vo, vỏ xanh.

Thêm đôi quả trứng gà có hình trái đào tiên, quả hồng xiêm xấu mã nhưng loại trồng ở Xuân Ðỉnh lại ngọt lừ. Cần chút đỏ tươi thì thêm quả cà chua, chùm ớt sừng trâu. Muốn óng ánh, sau những món ăn quá béo, mới nhìn đã ứa nước chân răng thì thêm quả khế mọng nước còn vương một nhánh lá xanh cho ta tưởng tượng đến mầu hoa khế tím...


Ðặc biệt nhất là quả phật thủ, chỉ có trên vùng lạnh giá Cao Bằng, Lạng Sơn, tết xuôi về thưa thoảng, nên có người, tết đến, cứ rong ruổi con "phượng hoàng" khắp băm sáu phố phường để tìm anh xe thồ, bà quang gánh mà rước nó về nhà. Ðó là bàn tay Phật chăng, một ngón tay giơ ra như để hướng dẫn cho mùa xuân lối về, còn những ngón khác nắm lại như cầm giữ hương xuân cho khỏi mờ tan. Một quả phật thủ sẽ làm thơm căn phòng ta, như thơm suốt mùa xuân, như thơm từ tết này sang tết khác đầy kỷ niệm, nó cao sang hơn hẳn quả bưởi, quả bòng và cũng quý hơn loài hoa quả bưởi lai mới xuất hiện, vỏ sần sùi, đẹp nhưng chua gắt.

Bàn thờ là nơi trang trọng nhất trong mỗi gia đình, mỗi căn hộ, là nơi để tâm linh ước nguyện có nơi về Tết, nếu thiếu bàn thờ thì cái hoang tàn xô đến, niềm cô quạnh dâng đầy, và hình như ta không còn là người dân Việt nghìn năm trọng tình, hiếu nghĩa, biết ơn tiên tổ. Bàn thờ có chân đèn, chân nến, đỉnh đồng, đài nước, hộp sắc vua phong, tam sự hay ngũ sự... Và ngày Tết, không thể thiếu hương sắc, hình ảnh của mâm ngũ quả.

Ngày nay, đời sống phong phú hơn, mâm ngũ quả có đến thất, đến thập quả cũng cứ được, vì thêm chùm quất chín tròn như những viên ngọc mầu da cam, thêm vài quả quít dẹt, quả táo, quả lê nước ngoài mới nhập về... Gọi là ngũ cũng chỉ là quy ước, nông thôn nhà nghèo, chỉ gồm nải chuối vườn mình, quả bưởi xin được... tuy lỏng chỏng đơn sơ, cũng không sao. Cái tình cái ý chứa đựng vào mâm ngũ quả mới là quan trọng chứ không phải thứ quả đắt tiền mới là quý báu. Ðó là tấm lòng cháu con hiền thảo nghĩ tới tổ tiên, đó là lòng người nghĩ về xóm làng, quê hương, mùa màng, thời tiết.

Riêng ở miền Nam, mâm ngũ quả có khác đi chút ít. Mâm ngũ quả miền nam luôn có những trái xoài, trái dừa và trái đu đủ. Ba thứ trái này đã làm mâm ngũ quả thành chật chội vì quả nào cũng to, vì thế mà hai bên bàn thờ phải đặt hai trái dưa hấu riêng ra. Nó là trái đất tròn, hay bầu trời đêm một vòm cong sao chưa mọc. Trái dưa hấu thật hợp với mùa nắng Nam bộ, đi chúc Tết toát mồ hôi, uống ly rượu đế, người đầm đìa mệt nhọc. Bổ một trái dưa hấu, được ấp vành môi đang se khô vào cái ruột mát lạnh của chiếc thuyền rồng mầu đỏ đáy xanh ấy cho nước ngọt và mát lạnh tan vào cơ thể, mới thấy nó quý giá như thế nào, có lẽ tương tự như cái rét cắt ruột phía Bắc, được nâng chén trà sen, ấm ran lòng bàn tay sưởi vào thành chén sứ, rồi mới đưa lên miệng để tận hưởng...


Tuy mỗi miền có khác, nhưng là đại đồng, tiểu dị, gặp nhau ở hồn quả, hương cây, vị trái, ở ý nguyện, ở nếp sống văn hiến. Mà đã là ý nguyện thì ai có thể áp đặt được bao giờ. Tuy vậy, tuy không ai áp đặt, nhưng Tết mà thiếu mâm ngũ quả thì nó trống trếnh, nó tẻ nhạt. Tết có trăm nghìn thứ để ăn và để chơi, có trăm văn hóa, trăm vật chất, trăm niềm vui nữa. Nhưng Tết Việt Nam không phải là gặt hái niềm vui ở ngoài đường hay nơi công cộng. Quan trọng nhất vẫn là Tết gia đình. Mà gia đình, trung tâm cho mọi con người, bất luận gái trai già trẻ, luôn hướng về để hòa đồng tâm tưởng, là bàn thờ, đặt nơi gian giữa hay nơi cao nhất, sạch sẽ, trang trọng nhất.

Bàn thờ ngày thường có thể đơn sơ, hương hoa nguội lạnh. Tết thì không thể. Tết phải khác. Ba ngày Tết, từ chiều ba mươi đến ngày khai hạ, hóa vàng... hương đèn, lửa thiêng phải luôn thơm ngát, tỏa sáng. Và có thế mới là Tết, mới là Tết Việt Nam.

Thật hạnh phúc được châm một nén nhang cắm vào bát hương mà trước mặt ta, ngang tầm mắt kia là mâm ngũ quả với hình, với hương, với mầu, với sự hài hòa, với những gì mà ta từ đấy nhớ về, mà từ đấy hy vọng ước mong.

(Nguồn: Thể thao Văn hóa)

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

'Đánh rơi' yêu thương ở miền cao Y Tý

Ở miền cao Y Tý, mây quấn núi, núi ấp ôm mây… đẹp như một giấc mơ mà ai cũng muốn một lần “chạm” đến ...

  04/06/2020 17:31

Khám phá Măng Đen - 'Đà Lạt thứ 2' ở Tây Nguyên

Tây Nguyên - vùng đất đầy nắng và gió với thảo nguyên bạt ngàn, dãy đồi trập trùng vô tận, vườn trà, ...

  04/06/2020 17:03

Chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung, phát huy thế mạnh du ...

  30/05/2020 18:23

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Nét đẹp văn hóa Hoàng Su Phì

Ngoài Đồng Văn, Hà Giang còn có Hoàng Su Phì thơm ngọt mùa lúa và ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc. ...

  27/05/2020 20:03
pin