Hạn khuống của người Thái ở Tây Bắc

Người Thái ở Tây Bắc có rất nhiều hình thức sinh hoạt văn nghệ trong các dịp cưới xin, mừng nhà mới, mừng cơm mới... Đó là những dịp vui chơi, múa hát, thi trống, thi chiêng nhộn nhịp, đông vui. Tuy nhiên những dịp như thế không thường xuyên, phải một năm hai năm mới có một lần, mà đi kèm là cỗ bàn tốn kém. Còn "Hạn khuống" thì thường xuyên, diễn ra hằng ngày, hằng tuần, nghi thức tổ chức đơn giản thuận tiện, phù hợp với mọi lứa tuổi, nhất là thanh thiếu niên. "Hạn khuống", nơi tụ hội đông vui, thường sinh hoạt vào các buổi tối mùa thu, và mùa đông khô ráo, công việc mùa màng tương đối nhàn rỗi. Đó cũng là mùa có bông, có sợi để cho các thiếu nữ Thái vừa hát đối đáp với bạn trai vừa trổ tài cán bông, kéo sợi, thêu thùa, may vá...

  14/12/2007 13:20
Cách đây không lâu, bản Thái nào cũng có từ dăm ba đến hàng chục "Hạn khuống". "Hạn khuống" là linh hồn của bản mường, tượng trưng cho sự no ấm, phồn vinh của xã hội Thái. "Hạn khuống" nghĩa tiếng Thái là sân sàn, tức là một cái sàn dựng ở ngoài trời, có hình vuông hoặc chữ nhật với diện tích 15 - 20 m2. Sàn được làm cao cách mặt đất 1 - 1,5 m, mặt sàn lát bằng tre hoặc phên nứa, chung quanh thưng bằng phên đan mắt cáo hay chấn song bằng tre, gỗ. Giữa sàn có một bếp lửa để cung cấp ánh sáng và sưởi ấm vào các đêm hò hát. Đáng chú ý, "Hạn khuống" được trang trí năm cây nêu mà người Thái gọi là lắc xáy. Cột lắc xáy làm bằng những cây bương lớn, phát hết cành lá ở thân, chỉ để lại chùm lá trên ngọn chót. Thân lắc xáy được sơn thành những đoạn xanh, đoạn đỏ, cứ khoảng 2 m người ta lại treo một vòng tròn bằng tre mà chung quanh có gắn những hình nộm, chim, ve, các loại hoa quả... sắc mầu rực rỡ. Trong năm lắc xáy có một cây chính dựng ngay cạnh bếp lửa, còn bốn cây kia dựng bốn góc sàn. Trong khi sinh hoạt, mỗi "Hạn khuống" có một nhóm xao lắc xáy, gồm 5 - 10 cô gái, trong đó có một trưởng nhóm (tổn khuống) người được ngồi ở chân "lắc xáy gốc".

"Hạn khuống" mang đậm tính quần chúng, do các thiếu nữ Thái trong các bản đứng ra tổ chức và quản lý sinh hoạt, nhưng được thanh niên nam tham gia giúp đỡ xây dựng, được các cụ già và mọi người ủng hộ, giúp đỡ sinh hoạt. Đêm khánh thành "Hạn khuống", nam thanh, nữ tú trong bản tới góp rượu, thịt... mời mọi người trong bản ăn mừng tại chỗ và từ đó những đêm sinh hoạt "Hạn khuống" bắt đầu.

Trước tiên, tổn khuống và các xao lắc xáy ngồi vào vị trí của mình. Họ vừa cán bông, kéo sợi, thêu thùa... vừa thân mật chuyện trò tiếp đón các bạn trai. Trong đêm thơ mộng, ngọn lửa "Hạn khuống" sáng lung linh, các cột lắc xáy lấp lánh muôn mầu sắc, thanh niên trong vùng rủ nhau đến các "Hạn khuống", mỗi đoàn cử ra 1 - 2 người đàn hay, hát giỏi để đối đáp xin được lên sàn. Sau những cuộc hát đối đáp, thử thách khá kỹ lưỡng, tổn khuống cho phép các chàng trai lên sàn tham gia sinh hoạt. Và cuộc vui văn nghệ bắt đầu, diễn ra đến tàn đêm.

Thường thì, những ai đã quen biết đều được tự do lên sàn tham gia, những người lạ phải qua thử thách. Các cụ già, người lớn tuổi đến "Hạn khuống" để góp vui, dạy dỗ, chỉ bảo con cháu lời nói đẹp, câu hát hay. Trẻ em đến "Hạn khuống" vừa chung vui, vừa học ăn, học nói, học hát, học quay xa, kéo sợi... Hết hát lại nói đối đáp, hết đối đáp lại cười vui. Câu chuyện "Hạn khuống" tưởng như không bao giờ kết thúc. Từ chuyện của bản, của mường đến chuyện riêng của mỗi gia đình, mỗi thành viên; từ chuyện yêu đương lứa đôi, đến chuyện đi nương, đi rẫy... đều trở thành những đề tài đối đáp ở "Hạn khuống". Càng về khuya, "Hạn khuống" càng đi vào chiều sâu của tâm linh, ý tứ, các cô gái quây quần bên bếp lửa trò chuyện, đối đáp với các chàng trai. Nhiều đôi trai gái tâm đầu, ý hợp, từ sinh hoạt "Hạn khuống" đã thành vợ, thành chồng ăn đời, ở kiếp hạnh phúc với nhau.

"Hạn khuống" không những chỉ là nơi sinh hoạt văn nghệ, nơi để nam thanh nữ tú đến tìm hiểu nhau, mà còn là nơi trao đổi, bàn bạc mọi công việc của cả cộng đồng, của mỗi gia đình và của mỗi thành viên. "Hạn khuống" còn là nơi để dạy dỗ và giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ trong cộng đồng người Thái. Các đêm "Hạn khuống" đã mang lại sự nghỉ ngơi, không khí ca hát lành mạnh, làm nhộn nhịp, ấm áp bản mường của đồng bào Thái.

Là một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian cổ truyền, "Hạn khuống" không khỏi có một vài hạn chế nhất định, song "Hạn khuống" có rất nhiều ưu điểm, cần được nghiên cứu, duy trì và phát huy trong cuộc sống ngày nay.
(Nguồn: Tổng hợp)
Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

'Đánh rơi' yêu thương ở miền cao Y Tý

Ở miền cao Y Tý, mây quấn núi, núi ấp ôm mây… đẹp như một giấc mơ mà ai cũng muốn một lần “chạm” đến ...

  04/06/2020 17:31

Khám phá Măng Đen - 'Đà Lạt thứ 2' ở Tây Nguyên

Tây Nguyên - vùng đất đầy nắng và gió với thảo nguyên bạt ngàn, dãy đồi trập trùng vô tận, vườn trà, ...

  04/06/2020 17:03

Chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung, phát huy thế mạnh du ...

  30/05/2020 18:23

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Nét đẹp văn hóa Hoàng Su Phì

Ngoài Đồng Văn, Hà Giang còn có Hoàng Su Phì thơm ngọt mùa lúa và ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc. ...

  27/05/2020 20:03
pin