Đi chợ âm dương

Phiên chợ Âm dương huyền thoại, nơi gặp gỡ giữa người sống và những linh hồn, sẽ được phục dựng lần đầu tiên vào Tết Canh Dần 2010.

  17/02/2010 16:21

Chợ Âm dương, hay còn gọi chợ Ó, là phiên chợ họp mỗi năm duy nhất một lần tại địa phận làng Ó, nay là khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh. Theo ông Nguyễn Thanh Tụy, Trưởng ban nghiên cứu lịch sử làng Ó, phiên chợ này được bắt đầu từ những năm 40 sau Công nguyên. Khi đó, trong vùng diễn ra cuộc chiến ác liệt của quân Hai Bà Trưng chống quân Hán. Sau chiến trận, thân nhân của các chiến binh tử trận đến đây tìm oan hồn tử sĩ. Người ta mua các đồ tế lễ, cúng bái để chiêu hồn, cầu phúc... Chợ Âm dương được hình thành từ đó. Theo quan niệm của người Việt xưa, phiên chợ này là cơ hội hiếm có cho người sống và người chết được gặp nhau.


Hàng năm, để cầu siêu thoát cho các vong hồn và an ủi tâm hồn người còn sống, chợ Âm dương được họp một lần vào tối mồng 4 và ngày mồng 5 Tết. Phiên chợ bắt đầu vào xẩm tối mùng 4, lúc trời đất nhập nhoạng, trời đất giao hòa, dương đi âm đến. Gọi là chợ, nhưng chỉ là một bãi đất trống giáp bãi tha ma, bên ngôi miếu có gốc đa cổ thụ ở rìa làng Ó, không có lều, quán, cũng không hề có ánh đèn, ánh nến. Với quan niệm người dương đi chợ cùng người âm, những người đến chợ không dám nói cười ồn ào, vì sợ hồn ma hoảng sợ; không dám thắp đèn vì sợ già sẽ cất tiếng gáy, làm hồn ma tan ác...


Bậc cao niên của làng Ó, cụ Nguyễn Văn Hỉ, 91 tuổi, cho biết: Trong phiên chợ Âm dương, người ta chủ yếu bán, mua gà đen và nhất định phải là gà mái để làm lễ vật trừ tà. Ngoài ra, chợ còn bán đồ thờ như tiền vàng mã, trầu cau, hương, nến... Người đi chợ không ai nói giá, cũng chẳng ai mặc cả. Trong bóng đêm, chỉ có bóng người đi lại và tiếng thì thào to nhỏ. Không ai quan tâm đến việc “mua may bán rủi” như một số chợ âm dương khác, chẳng hạn chợ Viềng ở Nam Định. Ở đầu chợ, một chậu nước được đặt để thử tiền cõi âm hay tiền cõi dương. Có chậu thử tiền, nhưng lắm lúc người ta vẫn cầm phải “tiền ma”. Sáng hôm sau, có người xem túi đựng tiền của mình chỉ toàn là vỏ hến, lá dong, thậm chí cả mẩu yếm sồi... Tuy nhiên, không ai cầm phải “tiền ma” tỏ ra bực tức, trái lại lấy làm vui vì cho rằng mình đã có duyên làm điều phúc, điều thiện với người đã chết.


Chợ Âm dương tan khi trời tang tảng sáng. Tiếp đó, trong suốt ngày mùng 5, sẽ là ngày  hội Quan họ. Nét đặc biệt của hát Quan họ sau phiên chợ Âm dương là hình thức hát giải hạn. Lối chơi này không bị gò bó nhiều vào lề lối mà có thể chỉ ca đối đáp một bài theo giọng La rằng. Sau đó, bên hát trước muốn hát bài nào thì bên hát sau đối bài đấy, không đối đúng cũng cho qua. Thông thường, những bài trong canh hát này có nội dung vui vẻ, chúc may mắn, bình yên, rủi không đến, phúc ùa về...


Ngày hội Quan họ dành cho giới trẻ


Với bề dày cả nghìn năm tuổi cùng với ý nghĩa nhân văn mang đậm màu sắc tín ngưỡng của đồng bằng Bắc bộ, chợ Âm dương đã ăn sâu trong tâm thức của bao đời người Việt, đi vào hội họa, văn học, điện ảnh... Nhưng phiên chợ này đã bị quên lãng trong vài chục năm gần đây.

Ngay sau khi Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang phục dựng các tín ngưỡng, tập quán xã hội và các lễ hội liên quan đến Quan họ cổ, nhằm bảo tồn các giọng lề lối của dân ca Quan họ Bắc Ninh. Là một không gian văn hóa đặc biệt của Quan họ, Lễ hội Chợ Âm dương đã được tỉnh Bắc Ninh quyết định phục dựng.


Theo Ban tổ chức, trong hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Canh Dần, tức 17 và 18/2/2010, Lễ hội chợ Âm dương sẽ được tái hiện ngay tại địa phận Xuân Ổ mà trung tâm là gốc đa cổ thụ ở rìa làng Ó. Đây cũng là dịp để Quan họ Bắc Ninh được thể hiện trong một không gian đậm màu sắc truyền thống. Các hình thức Quan họ cổ như hát giải hạn, hát lễ thờ, hát đối đáp... sẽ được phục dựng, phục vụ nhu cầu thưởng thức, giải hạn cầu may cho khách thập phương.


Điều đặc biệt, với tiêu chí phục dựng Lễ hội dành cho giới trẻ và cũng là để đảm bảo chất lượng cho chương tình, một số buổi biểu diễn sẽ hạn chế số lượng khách tham dự. “Chúng tôi mong quý khách đến hội nhường chỗ cho các bạn trẻ để họ có cơ hội tìm hiểu vốn văn hóa truyền thống dân tộc”, chị Vũ Thị Kim Dung, đại diện Ban tổ chức Lễ hội nói.


(Nguồn: www.cinet.gov.vn)





Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

'Đánh rơi' yêu thương ở miền cao Y Tý

Ở miền cao Y Tý, mây quấn núi, núi ấp ôm mây… đẹp như một giấc mơ mà ai cũng muốn một lần “chạm” đến ...

  04/06/2020 17:31

Khám phá Măng Đen - 'Đà Lạt thứ 2' ở Tây Nguyên

Tây Nguyên - vùng đất đầy nắng và gió với thảo nguyên bạt ngàn, dãy đồi trập trùng vô tận, vườn trà, ...

  04/06/2020 17:03

Chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung, phát huy thế mạnh du ...

  30/05/2020 18:23

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Nét đẹp văn hóa Hoàng Su Phì

Ngoài Đồng Văn, Hà Giang còn có Hoàng Su Phì thơm ngọt mùa lúa và ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc. ...

  27/05/2020 20:03
pin