Đám cưới người Cà Tu

Đám cưới của người Cà Tu nhiều nơi nay đã bỏ đi những tập tục lạc hậu. Mời các bạn tham dự một đám cưới tại thôn Phú Túc, xã Hoà Phú (Hoà Vang - Đà Nẵng).

  06/11/2007 10:00

Khi đoàn nhà trai gồm già làng, bà con cô bác đến nhà gái để thăm và mời họ sáng mai đến nhà trai dự dám cưới, thường mang theo một số lễ vật như rượu, trà, trầu cau, thịt, nếp...

Đêm đó, nhà gái cúng ông bà và hai bên gia đình trao đổi nội dung ngày cưới vào hôm sau, trong phần trao đổi hai bên có hát lý (lối hát cổ của người Cà Tu trong các lễ hội). Sáng hôm sau, đoàn nhà gái đến nhà trai, họ mang theo gạo, nếp, gà, cá... để tặng nhà trai.

Trước khi bước vào "cổng cưới" (cổng vào rạp cưới), nhà gái đem ra một đĩa trầu cau để mời và một chén nước lạnh, trong chén có một viên đá trắng, ý nghĩa là: Nước trong trắng, đá bền vững nên mỗi người bên nhà gái đều phải nhúng ngón tay vào chén nước nhằm mục đích đoàn kết bền chắc hai bên gia đình. Ông Đinh Văn Trí - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Phú Túc - cho biết như vậy.

Trong nhà, người ta đã trải hai dãy chiếu để đón tiếp nhà gái, dãy chiếu ở giữa nhà - trước bàn thờ ông bà - dành cho nam, còn nữ thì ngồi dãy chiếu bên. Sau đó, nhà gái đem trình rượu lễ, trầu cau, trà, thuốc ra để thưa chuyện... Một lát sau, người nhà trai bưng vào một rổ lớn thịt, chia cho mỗi người một cục thịt bò, tiếng Cà Tu gọi là "patró". Hai bên gia đình vừa ăn patró vừa uống rượu.

Sau đó gà, xôi, cá được dọn lên, và kèm theo một cái thau đồng cổ (thau không). Hai bên gia đình vừa ăn vừa uống rượu, nói chuyện và hát lý. Khi hai bên gia đình đã thống nhất nội dung thảo luận, cha của cô dâu và chú rể, đứng lên trước bàn thờ ông bà, cùng cắn vào cái miệng thau, tiếng Cà Tu gọi là "panhâm tay" .

Lý giải cho tục lệ này, già làng Đinh Văn Rời (80 tuổi) cho biết: "Hai bên gia đình nhà trai và nhà gái đã thống nhất, tức "đồng" một lòng, một dạ...". Sau đó, lễ cúng ông bà được tiến hành, trên bàn gồm hoa, hương đèn, chuối, gà... đặc biệt phải có một cặp cá suối (cá trắng) đã nướng chín, được cắm chúc đầu trên hai chiếc đũa, dâng lên bàn thờ. Tiếp theo, hai bên gia đình (khoảng 10 người) đến lạy và khấn vái. Đặc biệt họ khấn rất to, rất say sưa và mạnh ai nấy khấn...

Sau khi cúng ông bà, nhà gái có buộc sẵn hai con heo nằm bên hè nhà. Đại diện nhà trai thọc huyết một con và hứng lấy tiết trao cho cha của cô dâu, ông lấy ngón tay chấm vào chén tiết và quẹt trên trán những người có mặt trong nhà, lệ này tiếng Cà Tu gọi là "đhơơi xơnơ". Ông Trí cho biết: "Ngày xưa, giữa các bộ tộc, có nơi có lúc xảy ra hiềm khích, đánh nhau gây đổ máu triền miên, có hại cho sự trường tồn và phát triển của từng bộ tộc. Ngày nay, chúng ta làm sui gia với nhau, mọi sự hiềm khích, mâu thuẫn ngày xưa đều bãi bỏ hết, cùng nhau đoàn kết để tồn tại và phát triển...". Sau những tập tục cưới hỏi này, họ công nhận đôi trai gái đó chính thức là vợ chồng.

Xong lễ cưới, khi đoàn nhà trai ra về, đích thân anh ruột của cô dâu thọc huyết con heo to mà họ nhà trai dâng lễ . Con heo này, sau khi ra thịt, nhà trai tặng cho nhà gái mang về nhà. Nhà gái dùng một phần con heo này để ra mắt, báo cáo và đãi những người không có trong đoàn nhà gái đến nhà trai và đêm đó, cô dâu ngủ tại nhà chú rể...

Ngoài ra, nhà trai có che rạp đám cưới trước sân, có thuê nhạc, quản trò, có nhờ người Kinh đến nấu các món ăn, có mời bà con lối xóm, bạn bè... Tuy nhiên trong tiềm thức sâu xa, họ vẫn xem lễ cưới chính thức và có giá trị khi tổ chức theo tập tục cổ truyền của người Cà Tu, đương nhiên trước đó, họ đã đăng ký kết hôn tại UBND xã.

Trai gái Cà Tu hay chọn mùa xuân để làm đám cưới. Mời các bạn, nếu có dịp ghé thăm bản làng của bà con dân tộc Cà Tu vào mùa cưới, bạn sẽ thấy bà con Cà Tu rất thân thiện và hiếu khách, họ vui vẻ mời bạn thưởng thức món "patró", rất thơm ngon, và hấp dẫn... được chế biến theo một "công thức cổ", truyền thống của bà con dân tộc Cà Tu.

(Nguồn: Báo Lao Động) 

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

'Đánh rơi' yêu thương ở miền cao Y Tý

Ở miền cao Y Tý, mây quấn núi, núi ấp ôm mây… đẹp như một giấc mơ mà ai cũng muốn một lần “chạm” đến ...

  04/06/2020 17:31

Khám phá Măng Đen - 'Đà Lạt thứ 2' ở Tây Nguyên

Tây Nguyên - vùng đất đầy nắng và gió với thảo nguyên bạt ngàn, dãy đồi trập trùng vô tận, vườn trà, ...

  04/06/2020 17:03

Chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung, phát huy thế mạnh du ...

  30/05/2020 18:23

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Nét đẹp văn hóa Hoàng Su Phì

Ngoài Đồng Văn, Hà Giang còn có Hoàng Su Phì thơm ngọt mùa lúa và ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc. ...

  27/05/2020 20:03
pin