Hội gò Đống Đa – Hà Nội
Hội gò Đống Đa được diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 Tết tại chính gò Đống Đa, Hà Nội. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ tới chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung – người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Như mọi lễ hội, ngoài phần lễ dâng hương thiêng liêng, phần hội luôn có những trò chơi dân gian vui khỏe, thể hiện tinh thần thượng võ, đoàn kết tập thể. Trong đó, độc đáo nhất là trò rước Rồng lửa Thăng Long.
Lễ hội Chùa Hương – Mỹ Đức
Chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Lễ hội Chùa Hương được tổ chức vào ngày mùng 6 Tết hàng năm. Đây là lễ hội thu hút được sự chú ý nhiều nhất của nhân dân cả nước trong dịp đầu xuân, và cũng là lễ hội dài nhất cả nước (bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch). Đi trẩy hội chùa Hương, không chỉ là hành trình về với cõi Phật mà du khách còn được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh. Giá vé thăm quan là 50.000 đồng/khách và vé đò dọc từ 35 – 40.000 đồng/khách. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho khách, hạn chế sự quá tải trên thuyền, năm nay nhiều chủ thuyền đã thiết kế mô hình thuyền có ghế ngồi, mỗi thuyền chỉ chở tối đa 7 – 8 du khách.
Lễ hội Đền Gióng – Sóc Sơn
Lễ hội Đền Gióng được khai hội vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Theo truyền thuyết ghi lại, đây chính là nơi dừng chân của Thánh Gióng trước khi ngài bay về trời. Bởi vậy, hằng năm, lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ sự kiện này. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng – đền thờ Thánh Gióng. Năm 2011, lễ hội Đền Gióng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hiện tại, khu di tích gồm: đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, tượng đài thánh Gióng, chùa Non nước và các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc.
Lễ hội Yên Tử – Quảng Ninh
Hằng năm, lễ hội
Yên Tử được khai mạc vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm. Bên cạnh những nghi lễ truyền thống như dâng hương, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an hay lễ đóng dấu thiêng Yên Tử, phần hội cũng diễn ra vô cùng tưng bừng với các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Đặc biệt, lễ hội còn thu hút được nhiều sự tham gia của các đồng bào dân tộc ít người quanh vùng Yên Tử và các vùng lân cận, làm phong phú thêm các hoạt động lễ hội, lại giúp gắn kết tinh thần đoàn kết các dân tộc anh em cả nước. Hơn nữa, lễ hội xuân năm nay còn có điểm nhấn là công trình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên khu vực An Kỳ Sinh đã khánh thành, phục vụ nhu cầu chiêm bái, lễ phật của du khách, cùng nhiều hoạt động khác như: Lễ cầu an, cầu phúc, tổ chức các chương trình về nguồn…
Hội Lim – Bắc Ninh
Hội Lim là lễ hội lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh. Chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hằng năm. Hội được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hóa Kinh Bắc. Hội Lim là một trong những hoạt động sinh hoạt văn hóa đặc sắc của nền văn hóa dân ca quan họ nỏi tiếng. Đến với lễ hội, du khách không chỉ được lắng nghe những câu hát quan họ say đắm lòng người, từ hát mời trầu, gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng; mà còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm.
Lễ hội Đền Trần – Nam Định
Lễ hội Đền Trần, hay còn được biết đến là lễ Khai ấn đầu năm, được diễn ra từ ngày 13 tháng Giêng và kéo dài trong 3 ngày liền với hai nghi thức mới là lễ rước nước và tế cá. Sau khi thực hiện 2 lễ nghi này, Ban tổ chức sẽ tiến hành các nghi lễ như truyền thống của lễ hội.