Việt Nam câu chuyện 2.500 năm

Câu chuyện bắt đầu bằng chiếc cầu ván bắc qua con mương nhỏ dẫn lối vào những không gian lịch sử trải dài qua 2.500 năm và kết thúc bằng bức tranh kinh tế sôi động.

  25/06/2008 08:16

Việt Nam! Từ Huyền thoại đến Hiện đại, chặng đường dài của một dân tộc được gói gọn sinh động trong không gian trưng bày đặc biệt tại Bảo tàng văn minh châu Á ở Singapore. Hơn 200 hiện vật được bố trí theo 4 chủ đề nối nhau qua trình tự thời gian, từ khi tổ tiên người Việt phân định "sông núi nước Nam" và trải qua 1.000 năm đô hộ của phương Bắc, sang giai đoạn độc lập và ra đời của nước Đại Việt, rồi cuộc trường chinh bảo vệ và mở mang bờ cõi, cho đến giai đoạn hiện đại phát triển kinh tế. Dọc theo chiều dài hàng ngàn năm ấy, vận nước có lúc thịnh lúc suy, nhưng thời nào cũng để lại những hiện vật mà đến nay nhân loại tiến bộ vẫn trầm trồ thán phục. Cô Heidi Tan, người phụ trách việc nghiên cứu và sưu tầm hiện vật cho cuộc triển lãm này, nói rằng chiếc trống đồng Đông Sơn là một tuyệt tác bởi những họa tiết tinh xảo trên mặt và thân trống khiến người ta phải ngạc nhiên khi so sánh với những kỹ thuật của hơn 2.500 năm trước. Một phóng viên của hãng tin Bloomberg nhận xét những con dao đá màu ngọc bích với hơn 2.000 năm tuổi trông giống như mới được làm hôm qua. Nhiều vật dụng, đồ trang trí khác đã phần nào nói lên được sự tinh tế và phong phú trong tâm hồn và phong thái của người Việt xưa.

Không chỉ có phần sáng tạo của riêng mình, văn hóa Việt Nam cũng nhận vào mình những tinh hoa của nhân loại, từ Trung Hoa, Ấn Độ cho đến các quốc gia vùng Đông Nam Á, để ngoài niềm tự hào Đông Sơn chúng ta cũng có một bề dày văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo, sự đa dạng về tôn giáo và triết học, hệ thống khoa bảng và chữ viết... Cái hay của người Việt là sự cải biến theo tâm thức và sự tinh tế của riêng mình để tạo nét độc đáo khác biệt. Heidi so sánh sự khác nhau giữa con rồng của người Trung Hoa với con rồng mảnh mai, uốn khúc trong tư thế bay lên, phổ biến trong các công trình đền đài của người Việt thời nhà Lý. Cái tên Thăng Long ra đời cũng trong ý nghĩa đó. Hay chim thần Garuda, vị thần bảo vệ theo tín ngưỡng trong văn hóa Champa, của người Việt được tìm thấy ở Bình Dương thể hiện sức mạnh và uy nghi hơn những bức tượng truyền thống của người Indonesia.

Tượng Tăng Tử bằng đồng ở thế kỷ 17. Kinnara bằng sa thạch ở thế kỷ 11-12. Gốm xanh - trắng với những họa tiết tinh xảo ở thế kỷ 15.
Lịch sử cũng ghi nhận một giai đoạn thương mãi thịnh vượng vào khoảng thế kỷ 15 với những sản phẩm nghệ thuật hàm chứa sự thông minh và khéo léo của người Việt vượt biên giới đến nhiều nơi khác trên thế giới. Loại gốm sứ hai màu xanh trắng có họa tiết tinh vi và biến tấu theo "khẩu vị" của khách hàng có mặt khắp trong vùng Đông Nam Á. Trải qua hàng trăm năm vùi dưới lòng đại dương ở Cù Lao Chàm, những tuyệt tác ấy vẫn giữ nguyên lớp mạ vàng, màu men và độ bền bỉ.

Heidi cho biết, đây là cuộc triển lãm quy mô nhất từ trước đến nay về một quốc gia tại bảo tàng này (ACM). Không chỉ nhằm mục đích kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Singapore, cuộc triển lãm kéo dài hơn 4 tháng trước hết giúp thỏa mãn những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn văn hóa. Heidi cho biết: "Ở góc độ người làm công tác bảo tàng, văn hóa và nghệ thuật Việt Nam rất độc đáo và là đề tài chúng tôi quan tâm từ lâu. Chúng tôi đã tiến hành sưu tầm nhiều hiện vật từ Việt Nam hàng chục năm qua". Trong số hơn 200 hiện vật trưng bày, có khoảng 40 hiện vật của ACM. Số còn lại, ACM mượn từ 3 bảo tàng chính ở Việt Nam là Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật ở Hà Nội và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở TP.HCM, cũng như từ nhiều nhà sưu tầm cá nhân trong, ngoài nước. "Có rất nhiều hiện vật quý chúng tôi tìm thấy trong nhà kho của những bảo tàng. Chúng bị lãng quên và hư hỏng. Thật đáng tiếc". Nói rồi Heidi chỉ cho tôi bức tượng Tăng Tử, một trong 4 môn đệ nổi tiếng của đạo Khổng mà các nhà sưu tầm và khách tham quan rất lấy làm thú vị. Tượng được đúc bằng đồng, khoảng thời Hậu Lê, bị sứt mẻ do không được bảo quản cẩn thận trong nhà kho.

Cái không gian trưng bày đặc biệt tại ACM rộng chừng 200m2. Chừng ấy thôi mà nó chứa được cả 2.500 năm lịch sử dân tộc Việt Nam với cách bố trí thật thông minh và sáng tạo. Trình tự thời gian được sắp xếp theo chiều dọc, trong khi sự tương đồng, tương tác giữa các dòng văn hóa được thể hiện song song. Đập vào mắt người xem khi bước vào gian trưng bày là một chiếc cầu gỗ, bên trái là con mương nước xanh trong, bên phải là đồng lúa xanh rì thấp thoáng những bóng cau. Cả bề dày văn hóa 2.500 năm được giấu đằng sau một mái ngói và những bức rèm tre. Một phong cảnh làng quê yên bình du dương những làn điệu độc tấu dân ca Xe chỉ luồn kim, Người ơi người ở đừng về, nhã nhạc cung đình... dẫn người xem vào thế giới của lịch sử và sáng tạo.

(Theo: Thanh Niên)
Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Cùng Vietravel săn tour giá tốt giảm đến 20 triệu đồng tại Ngày hội Du lịch TP.HCM 2024

Đồng hành cùng sự kiện Ngày hội Du lịch TP.HCM 2024 trong khoảng thời gian từ 4/4 - 7/4/2024 tại Khu ...

  29/03/2024 16:18

Gần 200 du khách khởi hành đến Takamatsu trên chuyến bay thuê bao nguyên chuyến đầu tiên của Vietravel & Vietravel Airlines

Vào ngày 17/03/2024, Công ty Du lịch Vietravel và Hãng hàng không Vietravel Airlines đã tổ chức chuy ...

  17/03/2024 14:02

Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá

Theo các doanh nghiệp du lịch, số lượng du khách tại Việt Nam tăng mạnh nhưng khách đi tour không tă ...

  15/03/2024 10:34

Thử tài “bắt hoa bay” cùng Vietravel: Chơi minigame là có quà

Hành trình khám phá mùa hoa Thế giới 2024 của Vietravel đã bắt đầu rôm rả kể từ sau Tết Nguyên đán. ...

  08/03/2024 16:57

Vietravel vinh dự nhận được các giải thưởng lớn tại World Mice Awards 2023

Vào tối ngày 06/03/2024, Lễ trao giải World MICE Awards 2023 đã được tổ chức đồng thời với Hội chợ I ...

  07/03/2024 16:52

Tưng bừng khám phá “Ngày hội Hoa Anh Đào Nhật Bản 2024” cùng Vietravel

Mùa xuân Nhật Bản chưa bao giờ thôi quyến rũ những “tín đồ xê dịch”. Đến đây, du khách sẽ choáng ngợ ...

  03/03/2024 10:01
pin