Người nặng lòng với nghệ thuật hát múa bài bông

Múa hát bài bông được bắt đầu truyền dạy ở làng Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên (Hà Tây) từ cách đây gần trăm năm và được dân làng bảo lưu như một báu vật. Người dày công ghi chép, giữ gìn, phục dựng nét đẹp văn hóa đó cho quê hương là ông Lương Ðức Nghi - người thư ký tự nguyện của làng.

  25/06/2008 08:03

Ông Lương Ðức Nghi sinh năm 1927 ở làng cổ Phú Nhiêu và từng theo nghề dạy học 17 năm, rồi về công tác tại Huyện ủy Phú Xuyên 17 năm. Ông được nhắc đến như một người chép sử của Ðảng bộ địa phương và một nhà sưu tập văn hóa dân gian với nhiều thể loại từ ca dao, hò, vè đến các loại hình nghệ thuật còn lưu truyền trong làng, xã quê hương và các vùng phụ cận.

Làng Phú Nhiêu xưa kia mang tên gọi làng Leo, làng Bất Nạo, có hai loại hình diễn xướng cổ truyền là hò cửa đình và hát múa bài bông. Từ nhỏ, ông Nghi đã theo chị đi hát trống quân, "xem vật tháng hai, bơi chải tháng tám, đứng hò cửa đình" và ngất ngây xem múa hát bài bông. Tất cả đã thấm đẫm vào ông để sau này, dù có đi làm ăn xa, đi công tác, dạy học trong ông vẫn văng vẳng lời ca, điệu múa ấy.

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, không ai bảo mà tự ông nghĩ mình phải làm một việc gì đó để sưu tầm, biên soạn, giữ lại những giá trị văn hóa cho làng, trong đó có một phần quan trọng là múa hát bài bông.

Múa Bài Bông nằm trong hệ thống các bản múa của nghệ thuật ca trù (gồm múa Bỏ bộ, múa Tứ Linh, múa Bài Bông). Ðiệu múa này thường được sử dụng trong các dịp đại lễ của chốn giáo phường hoặc ở nơi cửa đình khi hát thờ, phục vụ lễ hội và mang nặng tính lễ nghi. Ðiệu múa này được truyền đến thôn Phú Nhiêu từ năm 1925, do một nghệ nhân ở làng Chảy về dạy nhằm phục vụ lễ nghi nơi cửa đình. Từ đó, múa hát bài bông được nhân lên trong dân làng và dần dần trở thành một phần không thể thiếu của nghệ thuật diễn xướng cổ truyền thôn Phú Nhiêu.

Nội dung của hát bài bông thường là ca ngợi đất nước, ca ngợi người có công với làng nước và phản ánh cuộc sống lao động, cấy trồng của người nông dân cùng tình yêu đôi lứa... Giữa múa và hát bài bông hòa nhập vào nhau, người múa phải hiểu được lời hát. Âm điệu trong bài bông là tổng hợp các làn điệu mang tính dân ca. Nhạc điệu trong ca từ nâng cánh cho bài bông bay bổng. Còn vũ điệu là các điệu múa dân gian cung đình. Múa bài bông không dùng bất cứ nhạc cụ nào.

Từ đầu đến cuối bài chỉ có miệng hát tay múa. Không nhạc đệm, nhạc nền nhưng vẫn múa đều răm rắp. Ở làng Phú Nhiêu trước đây, những cô gái chưa chồng đều tham gia tập múa hát bài bông. Vợ của ông Nghi cũng từng là thành viên trong đội múa hát nơi đình làng, ông gặp và kết duyên với bà cũng từ đó.

Ông Lương Ðức Nghi đánh giá: "Ðây là một loại hình vừa dân gian vừa bác học, lời hát một nửa là chữ Hán, một nửa chữ Nôm". Chính vì thế, ngay từ những năm 50, khi bài bông Phú Nhiêu đang bị mai một dần, ông đã dành nhiều tâm sức ghi chép cẩn thận để hôm nay làng không mất đi một di sản văn hóa được công nhận là phi vật thể. Tình yêu quê hương, yêu nét đẹp văn hóa dân tộc đã thôi thúc ông làm cái việc không công đó.

Ông đến nhà những nghệ nhân có thâm niên trong nghệ thuật hát múa bài bông trong làng để nhờ họ đọc rồi ghi chép cẩn thận. Người đầu tiên ông tìm đến là ông Nguyễn Văn Gắng, người đã dạy hát bài bông cho các đội bát tiên của làng, rồi bà Nguyễn Thị Ga, Nguyễn Thị Vung, Phan Thị Vẻ, Nguyễn Thị Nhân,...

Chép được từ mỗi người vài câu, có những câu còn phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần vì do tuổi cao, các ông bà không còn thuộc hết lời. Cuốn sổ bằng hai bàn tay được ông ghi chép cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ. Không ngừng tìm tòi, cóp nhặt, khai thác, đến ngày 10-8-1997 thì công trình sưu tầm, lưu giữ gần như hoàn thành về cơ bản. Tổng cộng ông ghi lại được 207 câu thơ vừa chữ Hán, vừa chữ Nôm bằng các thể thơ dân tộc.  

Nhìn ông lật giở từng trang sổ chữ đã mờ, giấy đã bạc thấy tình yêu ông dành cho nghệ thuật múa bài bông. Chưa bao giờ học qua một trường lớp nào về nghệ thuật nhưng ông phân tích về bài bông giống như một chuyên gia chuyên nghiên cứu về loại hình này. Rằng vì sao bài bông có nét giống ca trù, vì sao mang âm hưởng dân gian...

Năm 1997, làng Phú Nhiêu khôi phục lại đình, đội Múa hát bài bông từ đó được hình thành từ những người cao tuổi trong làng do ông Lương Ðức Nghi khởi xướng. Tài liệu mà mấy chục năm ông ghi chép, gìn giữ được ông soạn ra, cóp thành nhiều bản cho các thành viên trong đội cùng tập. Giảng viên là nghệ nhân Nguyễn Thị Ga và các bà đã tham gia diễn xướng trước đây của làng. Ban đầu có 36 người tham gia chủ yếu là người cao tuổi trong đội bát tiên ngày trước. Họ tập luyện gian khổ, không ai bồi dưỡng, tranh thủ đêm trăng để tập.

Ông Nghi tâm đắc kể lại: "Khó khăn thế mà tất cả học tập rất say mê. Một thời gian sau cả ba thế hệ người làng Phú Nhiêu đều đến tham gia. Có cháu còn khóc khi không được đi tập bài bông".

Năm 2003, câu lạc bộ Múa hát bài bông thôn Phú Nhiêu chính thức thành lập. Chủ nhiệm câu lạc bộ không ai khác là ông Lương Ðức Nghi. Ông biên soạn một cuốn nguyên bản "Múa-hát bài bông" cho câu lạc bộ với các nội dung: Hát giao cầu, hát múa, bài chúc, hát múa khi rước trải, hát múa hò khoan.

Hiện nay, câu lạc bộ có 101 thành viên thuộc cả mấy thế hệ, trong đó có 20 em là học sinh từ tiểu học đến trung học. Câu lạc bộ Múa hát bài bông Phú Nhiêu đã đoạt giải A Hội diễn dân gian toàn quốc 2007, biểu diễn ở Liên hoan múa cổ Thăng Long - Hà Nội 2008 và nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật từ trung ương đến địa phương.

Ở cái tuổi ngoài 80, nước mắt hạnh phúc của ông lăn trên gò má nhăn nheo khi thấy những "tiên nữ" múa bài bông xuất hiện giữa Thủ đô Hà Nội, thấy Múa bài bông Phú Nhiêu bay xa theo những tấm hình của người trong nước và ngoài nước tham gia tại Liên hoan múa cổ Thăng Long.

Sau nhiều năm gìn giữ, đến nay, ông đã bằng lòng với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể cho quê hương. Ông đang hoàn thành tập "Văn hóa dân gian Phú Nhiêu" trong đó, ngoài Múa hát bài bông còn có Hò cửa đình, những câu ca dao, tục ngữ, phong tục, ẩm thực... 

Ông tâm sự: "Cuốn sách ghi lại chuyện làng, văn hóa làng cho các thế hệ trong làng nghe mà người sáng tạo ra nó là nhân dân Phú Nhiêu, còn tôi chỉ là người thư ký tự nguyện ghi chép lại mà thôi".

(Theo: báo Nhân Dân)
Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Cùng Vietravel săn tour giá tốt giảm đến 20 triệu đồng tại Ngày hội Du lịch TP.HCM 2024

Đồng hành cùng sự kiện Ngày hội Du lịch TP.HCM 2024 trong khoảng thời gian từ 4/4 - 7/4/2024 tại Khu ...

  29/03/2024 16:18

Gần 200 du khách khởi hành đến Takamatsu trên chuyến bay thuê bao nguyên chuyến đầu tiên của Vietravel & Vietravel Airlines

Vào ngày 17/03/2024, Công ty Du lịch Vietravel và Hãng hàng không Vietravel Airlines đã tổ chức chuy ...

  17/03/2024 14:02

Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá

Theo các doanh nghiệp du lịch, số lượng du khách tại Việt Nam tăng mạnh nhưng khách đi tour không tă ...

  15/03/2024 10:34

Thử tài “bắt hoa bay” cùng Vietravel: Chơi minigame là có quà

Hành trình khám phá mùa hoa Thế giới 2024 của Vietravel đã bắt đầu rôm rả kể từ sau Tết Nguyên đán. ...

  08/03/2024 16:57

Vietravel vinh dự nhận được các giải thưởng lớn tại World Mice Awards 2023

Vào tối ngày 06/03/2024, Lễ trao giải World MICE Awards 2023 đã được tổ chức đồng thời với Hội chợ I ...

  07/03/2024 16:52

Tưng bừng khám phá “Ngày hội Hoa Anh Đào Nhật Bản 2024” cùng Vietravel

Mùa xuân Nhật Bản chưa bao giờ thôi quyến rũ những “tín đồ xê dịch”. Đến đây, du khách sẽ choáng ngợ ...

  03/03/2024 10:01
pin