Nghệ thuật thu tiền du khách của người Trung Quốc

Biết là người Trung Quốc có "gen" làm ăn cực giỏi, vậy mà vẫn choáng váng ngỡ ngàng khi chứng kiến các địa điểm du lịch của Trung Quốc hút tiền khách du lịch, nhất là khách Việt Nam, cao thủ đến mức khách vừa dốc ví vừa "tâm phục khẩu phục".

  08/08/2008 09:58
Không nói xa xôi đến những kỳ quan thế giới như Vạn lý trường thành hay những đại đô thị như Thượng Hải, chỉ một vòng các điểm du lịch ở một tỉnh "vùng xa vùng sâu"như Vân Nam, đã thấy "ông hàng xóm" khôn ngoan biết tận dụng từng cm thắng cảnh và thu về từng đồng tệ nhỏ nhất, để cuối ngày khóa sổ, thấy tài nguyên du lịch biến thành tiền ngoạn mục thế nào.

Sùng Thánh tam tháp - nhìn cũng phải trả tiền


Du khách chỉ có thể ngắm và chụp ảnh từ bên ngoài 3 tòa tháp cổ lừng danh của chùa Sùng Thánh
 
Sùng Thánh tam tháp là ngôi chùa cổ lừng danh ở vùng Đại Lý (tên một thành phố cổ, vốn là kinh đô nước Đại Lý, một vương quốc nhỏ thời Nam Tống) vì nó được Kim Dung dùng làm một phần bối cảnh cho bộ tiểu thuyết kiếm hiệp Thiên Long Bát Bộ. Hoàng gia họ Đoàn sau khi đã tam cung lục viện đề huề cháu chắt nối ngôi yên ổn thì tu tâm dưỡng… võ tại chùa này.

Chùa Sùng Thánh thật ra đã bị tàn phá từ lâu, một phần do các cuộc chiến tranh, một phần do các trận động đất. Nhưng từ khi bộ phim truyền hình dài tập Thiên Long Bát Bộ được khởi quay ngay ở ngoại vi thành cổ Đại Lý, chùa Sùng Thánh cũng được gấp rút trùng tu và… xây mới. Ba ngôi tháp cổ, ngôi cao nhất có niên đại từ thế kỷ 11, hai ngôi sau được xây vào thế kỷ 15 cao sừng sững trên nền trời được gia cố và… khóa kỹ, chỉ vào những dịp đại lễ và phải là quốc khách mới được phép vào trong.

Khách đến thăm chỉ được dạo khuôn viên và… chụp ảnh 3 tòa tháp. Bù lại, họ được vào chiêm ngưỡng ngôi chùa hoành tráng, quy mô, choáng ngợp vừa mới xây năm... 1995.

Chùa có quy mô cực lớn, khuôn viên gần 1.000ha, với những ngôi điện chính như Đại Hùng bảo điện, rộng sơ sơ cũng bằng… chùa Bái Đính ở Ninh Bình mà ta vẫn tự hào to nhất Đông Nam Á. Những tượng Phật Tổ cao 5-6m, Hộ pháp, La hán cao 3-4m la liệt là chuyện... vặt. Ấn tượng nhất là bức điêu khắc gỗ liên hoàn dài hơn 120m, cao 1,8m với những đường nét khá tinh xảo, tạc các cảnh trong kinh Phật.

Một vài khách cắc cớ hỏi: "Đẹp quá, to quá, nhưng mà mới quá, thế còn tháp cổ thì có được vào không?". Cô hướng dẫn cười duyên ơi là duyên: "Chỉ quốc khách mới được vào thôi ạ, mà một năm cũng chỉ đôi lần, nếu không thì tháp sẽ bị ảnh hưởng, nó cũ lắm rồi, phải được giữ gìn cẩn thận ạ". Vậy là với 80 tệ vé vào cửa và 50 tệ vé xe điện (tổng cộng khoảng 350.000 tiền Việt), khách tha hồ được… nhìn và chụp ảnh chùa Sùng Thánh tam tháp.

Thành cổ Đại Lý - xây mới như thật để "ăn theo lịch sử"


Cổng thành cổ Đại Lý
 
Thành cổ Đại Lý cũng nổi tiếng vô cùng trong giới Hoa ngữ và cư dân châu Á nhờ… Kim Dung. Thành cổ Đại Lý không có vẻ quyến rũ mê hồn từ phút đầu như thành cổ Lệ Giang, nhưng ngọn núi Thương Sơn phủ tuyết che chắn cho thành phố, với những dãy phố nho nhỏ, những mái gỗ cong cong và tòa thành đá còn giữ được được cả hình hài 4 cổng thành sừng sững, uy nghiêm vẫn khiến Đại Lý có sức hấp dẫn riêng.

Biết được tâm lý "ngộ Kim Dung" của du khách, chính quyền địa phương đã bỏ ra hơn 1 tỷ nhân dân tệ để trùng tu lại khu thành cổ, dựng lại gần như nguyên bản 4 cổng thành, với một đội lính gác ăn mặc như lính bảo vệ Đoàn Chính Thuần. Các dãy phố bán buôn được phục dựng như thể chúng chưa từng bị san phẳng những năm cách mạng văn hóa. Và "thành cổ" Đại lý điềm nhiên thu tiền vào cửa mỗi khách 80 tệ.


Cổng thành cổ Đại Lý phía trong, với lính gác mặc chiến bào thời Nam Tống
 
Một ngày có ít nhất 2.000-3.000 khách vào, chụp ảnh mấy anh lính gác cổng, những dãy phố cổ phục dựng, mua những tấm khăn thổ cẩm dệt tay của những cô gái Đại Lý, những chiếc áo lông cừu kiểu Kiều phong, những trái đào Vân Nam giòn ngọt lịm, rồi đi, để lại những nhà kinh doanh bản địa cười tươi như hoa ngồi đếm tiền cuối ngày.

Phim trường Thiên Long Bát Bộ  - "thả con săn sắt…"


Khi bộ phim Thiên Long Bát Bộ được rục rịch chuẩn bị, chính quyền địa phương đã nhanh chân chủ động… xây dựng phim trường và mời đoàn làm phim về quay.

Phim trường nằm đối diện với thành cổ, cách một con đường lớn, sâu hơn 3km về phía chân núi Thương Sơn. Bối cảnh không thể so với Hollywood về độ hoành tráng và hiện đại, nhưng với một phim truyền hình kinh phí không cao, lại có sự đón nhận được biết trước của công chúng, đây cũng là một khoản đầu tư đáng kể.


Xe chở tù, vật mà du khách ưa chụp ảnh lưu niệm trong phim trường
 

Cung điện nhà Đại Lý, những ngôi chùa hoàng gia, những chiếc xe chở tù, những vạc dầu tra tấn… những khuê phòng màn che trướng rủ của các cô gái nhà họ Đoàn… những gì Kim Dung có trong tiểu thuyết thì trên phim trường cũng có. Tiền thuê phim trường rất tượng trưng. Đoàn làm phim hỷ hả. Khi họ ra về rồi, những người làm du lịch ở Đại Lý cũng hể hả.


Tủ quần áo cho thuê
 
Riêng tiền cho thuê quần áo mỗi ngày đã thấy họ "nhìn xa trông rộng". Các tài tử giai nhân muốn Vương Ngọc Yến, A Châu, A Tử, Đoàn Dự, Kiều Phong, Hư Trúc… cứ vô tư. 20 tệ/người/lượt. Có đoàn đi 16 người, 5 chàng trai đứng bấm máy ảnh cho 11 cô gái, mỗi cô thử ít nhất 5 bộ quần áo các loại.

Dòng người xếp hàng đợi thử y phục cổ trang lúc nào cũng nườm nượp, dãy tủ quần áo dài cả chục mét treo ken đặc các bộ xiêm y. Có thể thấy "kinh doanh du lịch" đã ngấm đến từng tế bào của dân Đại Lý như thế nào.

 

Trước tòa lầu của Vương Ngọc Yến, con gái Đoàn Chính Thuần trong phim trường Thiên Long Bát Bộ
 
Tiền vé vào phim trường cũng là 80 tệ (khoảng 220.000 tiền Việt). Bao nhiêu người đến chùa Sùng Thánh cũng là bấy nhiêu người vào thành cổ, rồi lại chừng ấy người vào phim trường (vì tất cả cách nhau không đầy 3km).

300 tệ chỉ riêng tiền vé vào cửa cho 3 danh thắng được làm mới hầu như hoàn toàn, chỉ có cái vỏ lịch sử để neo vào. Nhưng khách không ai kêu ca cả, thậm chí rất vui vẻ móc hầu bao, vì tất cả các di tích ấy được làm mới như thật, được giữ gìn như ly như lau. Không một cọng rác, thậm chí không một hạt bụi. Không gian trong lành, cây cỏ được trồng và chăm sóc như những công viên ở châu Âu. Tiền thu từ danh thắng đã được dùng để tu bổ, tôn tạo và làm đẹp danh thắng.

Còn chúng ta, cảnh đẹp trời cho, di tích cha ông để lại. Đẹp hơn, tinh tế hơn, thật hơn nhưng bán rẻ như bèo, để rồi danh thắng, di tích thiếu tiền mỗi ngày một xuống cấp...

(Theo Tuổi Trẻ)
Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá

Theo các doanh nghiệp du lịch, số lượng du khách tại Việt Nam tăng mạnh nhưng khách đi tour không tă ...

  15/03/2024 10:34

Thử tài “bắt hoa bay” cùng Vietravel: Chơi minigame là có quà

Hành trình khám phá mùa hoa Thế giới 2024 của Vietravel đã bắt đầu rôm rả kể từ sau Tết Nguyên đán. ...

  08/03/2024 16:57

Vietravel vinh dự nhận được các giải thưởng lớn tại World Mice Awards 2023

Vào tối ngày 06/03/2024, Lễ trao giải World MICE Awards 2023 đã được tổ chức đồng thời với Hội chợ I ...

  07/03/2024 16:52

Tưng bừng khám phá “Ngày hội Hoa Anh Đào Nhật Bản 2024” cùng Vietravel

Mùa xuân Nhật Bản chưa bao giờ thôi quyến rũ những “tín đồ xê dịch”. Đến đây, du khách sẽ choáng ngợ ...

  03/03/2024 10:01

Vietravel vinh dự nhận giải thưởng “Taiwan Tourism Contribution Awards 2024”

Ngày 22/2/2024 tại Khách sạn The Grand - Đài Bắc, Vietravel vinh dự được Tổng cục Du lịch Đài Loan t ...

  22/02/2024 16:43

Cùng Vietravel chiêm ngưỡng sắc màu thế giới qua những mùa hoa với hàng loạt ưu đãi lớn

Ở từng thời điểm khác nhau, mỗi một vùng đất trên thế giới đều khoác lên mình “chiếc áo hoa” tuyệt đ ...

  17/02/2024 12:19
pin