Hà Nội: Giữ gìn nét đẹp văn hóa của lễ hội

Hà Nội đang tưng bừng trong mùa hội xuân. Lễ hội sẽ được phát huy hết ý nghĩa khi được tổ chức chu đáo và mọi người có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa của lễ hội.

  05/02/2009 09:33




Một tập quán đẹp

Sáng mồng 4 Tết Kỷ Sửu, ông Hích (Khu đô thị Mỹ Ðình) đã dắt hai cháu đi xe buýt  lên Khu di tích Hoành thành Thăng Long xem hội. Hai đứa cháu ríu rít đòi ông giảng giải về các tiết mục tế lễ, hát bài bông, bài chòi, các cổ vật trưng bày trong khu di tích. Ông Hích rất vui vì được sống lại không khí lễ hội ngày xưa và đặc biệt có dịp để các cháu hiểu thêm về văn hóa truyền thống. Ông cho biết, dịp xuân này, gia đình ông sẽ đến Văn Miếu, Lễ hội Chiến thắng gò Ðống Ða, vãn cảnh chùa Hương và dự hội đền Gióng. "Hà Nội mở rộng với hàng trăm, hàng nghìn lễ hội, đền, chùa, di tích. Ðây là những nơi rất thích hợp để du xuân. Ðến lễ hội để vãn cảnh, hòa mình với thiên nhiên, thắp nén nhang tưởng nhớ các vị thánh thần, tiền nhân, ước nguyện một cuộc sống tốt đẹp. Người Hà Nội thật may mắn vì có một không gian văn hóa tâm linh rộng lớn, có bề dày lịch sử". - Ông Hích tâm sự.

Quả thật, khi Hà Tây hợp nhất với Hà Nội, người dân Thủ đô có thêm hàng trăm lễ hội đặc sắc của miền quê xứ Ðoài với nhiều địa danh linh thiêng, nhiều miền đất địa linh nhân kiệt. Nổi tiếng nhất là Hội chùa Hương, nơi được mệnh danh Nam thiên đệ nhất động, là đất Phật mà các Phật tử trong đời đều mong muốn được đặt chân đến. Rồi lễ hội chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Ðậu, đền Và,  lễ hội bắt hổ Giã La (Hoài Ðức), chạy lợn (Phú Xuyên), Nghiềm Quân, rước Ông Lợn (La Phù, Hoài Ðức), hội vật (Quốc Oai, Sơn Tây)... Mỗi nơi một vẻ, nhưng điểm chung là các lễ hội ở Hà Nội đều đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống lịch sử. Bên cạnh những lễ hội lớn, ở mỗi làng, mỗi thôn cũng có những lễ hội nhỏ thờ các vị Thành Hoàng, tổ nghề, các vị thánh... Trong những ngày đầu xuân Kỷ Sửu này, khắp các thôn, làng ở Hà Nội đều tưng bừng, tất bật cho lễ hội, từ việc trang trí đèn hoa, cờ trống, tu sửa nơi thờ tự, đến việc tổ chức các trò chơi, rước, tế lễ, bảo đảm an ninh, trật tự, đón khách... Ðây thật sự là một nét văn hóa đẹp cần được gìn giữ, phát huy, đặc biệt là trong bối cảnh đô thị hóa ở Hà Nội đang diễn ra mạnh mẽ. Dịp xuân này, nhiều người dân sống trong nội thành không chỉ về tham dự các lễ hội ở khu vực Hà Tây (cũ) mà còn để thưởng ngoạn không gian cây đa, bến nước, sân đình, mái nhà cổ... những vật đang trở nên khá mong manh trước làn sóng đô thị, bê-tông cốt thép hóa.

Tuy nhiên, một điểm đáng quan tâm là các lễ hội ở Hà Nội đang đứng trước nguy cơ phai nhạt giá trị văn hóa, tâm linh, đang nghiêng quá nhiều về phần lễ, phần hội (trò chơi, sinh hoạt văn hóa) bị xem nhẹ. Ý thức, tâm thế của bộ phận không nhỏ người dân khi đến với lễ hội bị sai lệch. Hình ảnh dễ bắt gặp nhất ở chùa Hà, Phủ Tây Hồ, chùa Thầy, lễ hội gò Ðống Ða... là sự chen lấn, xô đẩy để lễ vái, mặc dù Ban tổ chức đã nhắc nhở nhưng phần lớn người đi lễ vẫn đốt nhiều hương, nhiều vàng mã. Việc ăn mặc phản cảm, nói năng bỗ bã vẫn diễn ra ở khắp các lễ hội, đền, chùa. Rồi nạn đeo bám, lôi kéo bán đồ lễ, hàng rong cũng khiến không ít du khách phiền lòng. Chị Hoa, nhà ở quận Thanh Xuân, cho biết: "Ði lễ hội vui thật nhưng nhiều khi cũng mệt mỏi, bị ức chế vì những chuyện nhỏ nhặt như bị "chặt" giá khi gửi xe, mua đồ lễ. Nhạc nhẽo, loa đài thì inh ỏi. Rất nhiều người đi lễ hội chỉ chăm chăm cầu tài, cầu lộc, chẳng cần tìm hiểu về di tích, thắng cảnh, ăn mặc, nói năng, đi đứng như ở nhà mình, không cần quan tâm đến người khác. Dịp lễ hội đầu năm, công chức, viên chức Hà Nội có "phong trào" đi lễ hội nên không ít cơ quan, đơn vị bê trễ công việc".

Tăng cường quản lý

Xuân Kỷ Sửu này, lễ hội xuân Thăng Long - Hà Nội được tổ chức với quy mô lớn, diễn ra trên diện rộng gồm cả khu vực các quận nội thành và các vùng mở rộng như Hà Ðông, Sơn Tây và huyện Mê Linh. Các lễ hội ở từng địa phương cũng được tổ chức với tinh thần vui tươi, quảng bá rộng rãi với người dân Thủ đô và du khách, bổ sung phần hội để lễ hội giàu sức sống.

Ngay từ giữa tháng 12-2008, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 2560/QÐ-UB ngày 15-12-2008 về việc tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn. Theo đó, các lễ hội cần được tổ chức trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tránh phô trương, hình thức, khuyến khích các trò chơi dân gian truyền thống, tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng lành mạnh, phong phú, thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu, nạn ăn xin, nài ép khách, chú trọng công tác bảo đảm an ninh-trật tự, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng lễ hội để vi phạm nếp sống văn minh. Các địa phương có lễ hội truyền thống như chùa Hương (Mỹ Ðức), Ðống Ða (Ðống Ða), chùa Thầy (Quốc Oai), chùa Tây Phương (Thạch Thất), chùa Bối Khê (Thanh Oai), chùa Trăm Gian (Chương Mỹ), chùa Ðậu (Thường Tín), đền Hai Bà Trưng (Mê Linh, Phúc Thọ), đền Hát Môn (Phúc Thọ), đền Phù Ðổng (Gia Lâm), đền Sóc (Sóc Sơn), đền Cổ Loa (Ðông Anh), hội Lộ (Thường Tín-Thanh Trì)... thành lập Ban chỉ đạo tổ chức lễ hội để tổ chức, điều hành lễ hội theo đúng  quy chế văn hóa. Ðối với các lễ hội làng (thôn), lễ hội văn hóa du lịch... định kỳ tổ chức hằng năm, báo cáo cơ quan quản lý và tổ chức thực hiện theo đúng thể thức quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy chế tổ chức lễ hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bảo đảm phục vụ thiết thực đời sống văn hóa tinh thần người dân. Không tổ chức lễ hội tốn kém, lãng phí, vượt quá khả năng đóng góp của nhân dân và ngân sách địa phương. Trong khu vực lễ hội, cờ Tổ quốc phải treo ở nơi trang trọng, cao hơn cờ hội. Không quảng cáo bằng loa, đài gây tiếng ồn quá mức quy định trong lễ hội, nghiêm cấm các trò chơi đánh bạc dưới mọi hình thức. Tổ chức trông giữ xe và bán vé xe theo quy định của cơ quan tài chính. Bảo đảm không để xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm ở lễ hội. UBND thành phố cũng khuyến khích thực hiện xã hội hóa công tác quản lý và tổ chức  các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục-thể thao, du lịch phục vụ lễ hội và các hoạt động văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian như vật, võ dân tộc, đánh đu, chọi gà, cờ người, thổi cơm thi...

Trách nhiệm tổ chức, quản lý lễ hội thuộc về  ngành văn hóa, thể thao và du lịch và chính quyền các địa phương. UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội mang tính khoa học, thể hiện các giá trị văn hóa lịch sử của từng lễ hội theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Có thể thấy, những quy định, hướng dẫn về quản lý, tổ chức lễ hội của UBND thành phố Hà Nội là khá đầy đủ, chi tiết. Vấn đề đặt ra cho mùa lễ hội xuân Kỷ Sửu năm nay là ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần vào cuộc tích cực, tăng cường kiểm tra, giám sát, uốn nắn, xử lý kịp những sai phạm, tránh tình trạng nể nang, xuê xoa cho qua. Việc phô trương, đua nhau tổ chức lễ hội linh đình, tốn kém giữa các xã, thôn cũng cần được ngăn chặn sớm.

(Nguồn: báo Nhân Dân)
Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Ưu đãi giảm giá nhóm đến 200 nghìn cùng Khuyến mại Xuân 2022 Vietravel

Như một lời tri ân đến Quý khách hàng đã gắn bó cùng Vietravel trong suốt thời gian qua cũng như để ...

  26/12/2021 14:00

Thể lệ Cuộc thi thiết kế tour du lịch Đài Loan "Booking Your Next Trip"

Cuộc thi “"Booking Your Next Trip" do Vietravel phối hợp cùng Tổng cục Du lịch Đài Loan tổ chức với ...

  23/10/2021 15:00

Chính thức ra mắt Bản tin Vietravel - Ấn phẩm Online

Trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh Covid - 19 hoành hành đã khiến chúng ta không thể thực hiện nh ...

  21/09/2021 09:00

"Nhật Bản tôi yêu" - Cuộc thi viết dành cho cho những người yêu "Xứ sở mặt trời mọc"

Với mục đích duy trì sự quan tâm, yêu thích với du lịch Nhật Bản cũng như khơi dậy nhu cầu đi du lịc ...

  14/07/2021 00:00

Du lịch hấp dẫn với “Tuần lễ Món ngon phố biển Vũng Tàu 2021”

Chính thức diễn ra từ ngày 24/4 đến ngày 2/5/2021, “Tuần lễ Món ngon phố biển Vũng Tàu 2021” (Vung T ...

  20/04/2021 09:00

Vietravel – Vietravel Airlines kết hợp cùng tỉnh Hà Giang xúc tiến quảng bá du lịch

Nhằm khôi phục thị trường du lịch thời kỳ hậu Covid-19, đồng thời chuẩn bị các sản phẩm cho mùa Hè 2 ...

  14/04/2021 10:10
pin