Ruộng bậc thang - Kỳ tích của người mông Mù Cang Chải

Vào những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10, vượt qua đèo Khau Phạ dài 27 km để đến Mù Cang Chải (Yên Bái), trước mắt chúng tôi là một màu vàng của lúa trải dài trên các triền núi của vùng cao, lớp nọ gối tiếp lớp kia như bất tận, khiến anh bạn đi cùng choáng ngợp phải dừng xe để bấm máy ảnh lia lịa.

  06/11/2007 09:21

Khi leo lên bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn nhìn xuống mới phần nào cảm nhận được sự diệu kỳ của ruộng bậc thang nơi đây. Những mâm xôi vàng của lúa hiện lên hoành tránh giữa núi rừng xanh ngắt; từng bậc ruộng nối tiếp nhau đổ từ trên cao xuống như chiếc cầu thang vàng nối từ trần gian lên trời. Phá cách của bức tranh vàng xanh là dòng suối Kim, như dải lụa trắng bắt nguồn từ đỉnh Nả Háng Tâu cao trên 2.600 mét, uốn lượn dọc quốc lộ 32 qua thị trấn rồi đổ về Nậm Mu của Sơn La, tạo sự điều hoà khí hậu trong vùng và nước cho sản xuất. Bác Giàng Xáy Sinh, năm nay 76 tuổi, nguyên Bí thư Huyện uỷ ba khoá liền là người gắn cả cuộc đời mình với nơi này kể lại nhiều điều về ruộng bậc thang nơi này, mà không phải ai đã biết cụ thể. Người Mông ở Mù Cang Chải chiếm 92% dân số toàn huyện, gồm bốn nhóm: Mông Đơ (trắng), Mông Lình (hoa), Mông Đu (đen), Mông Si (đỏ); trong đó, nhóm người Mông Lình và Mông Si chiếm đại đa số họ di cư về sinh sống từ đầu thế kỷ XVIII, làm nương rẫy là phương thức sản xuất và nguồn sống chính của mình. Trong canh tác, do chủ yếu là đất Feralit vàng đỏ phân bố ở trên độ cao 900m, độ dốc lớn từ 30% trở lên, địa hình chia cắt mạnh, nếu để trồng lúa có tính ổn định trên đồi nương thì không thể khai khẩn theo hình thức nương rẫy. Vì vậy, người Mông đã chọn những quả đồi thấp, có diện tích rộng, độ dốc vừa phải, lợi dụng được cả nước trời (nước mưa) và nước suối dẫn từ độ cao tràn xuống ruộng thấp để khai khẩn ruộng bậc thang. Bác Sinh cho biết: "Trước khi khai khẩn, chủ ruộng phải đi chọn đất. Nơi đó phải có nguồn nước, có khả năng tạo mặt bằng, ít cây to, cỏ mọc dầy và tốt, ít sỏi đá. Sau đó, phải lập quyền sở khai khẩn bằng cách chồng một cột đá lên cao chừng trên một mét, hay chôn một cây gỗ lớn trên vùng đất đó để làm dấu hiệu xác lập quyền khai khẩn. Để tránh các rủi ro trong quá trình khai khẩn (rắn cắn, đá lăn vào người, dao phát vào chân...) theo quan niệm của người Mông là cái hồn của mình đã bỏ mình ra đi, do đó phải mời thầy mo đến cúng gọi hồn về. Thầy mo là một người Mông già, được học nghề từ bé (hiện nay ở Mù Cang Chải còn rất ít), chủ ruộng chuẩn bị lễ vật gồm: một bát gạo, một chén rượu, một con gà trống, một quả trứng, một thẻ hương... Lễ vật được đặt ngay góc ruộng nơi khai khẩn, thầy mo hua que hương lên trời đọc bài cúng và các thủ tục khác cầu mang đến gió thuận mưa hoà, hồn người bị nạn tiếp tục nhập vào người bị hại để tiếp tục khai khẩn làm ăn; sau đó, bài cúng được nhúng rượu và đốt ngay tại ruộng, vung khắp vùng đất mong tìm sự may mắn cho các vụ mùa tốt tươi. Do độ dốc lớn, ruộng bậc thang có chiều ngang hẹp (chỉ được vài đường bừa), độ chênh từ thửa ruộng trên với thửa ruộng dưới từ 1- 1,5 mét, trong khi đòi hỏi mặt bằng ruộng và nguồn nước ngâm chân lúa phải đồng đều, sao cho khi có nước vào thì cả đám ruộng (một bậc thang) đều có cân bằng sóng. Vì vậy, khi san ruộng người Mông dùng cuốc bướm cào thành bờ đất, dùng chân dẫm và dùng gáy cuốc đập mạnh nén chặt bờ ruộng (bờ ruộng cao hơn mặt ruộng và rộng từ 20- 25 cm). Các điểm đón nước cho ruộng được lấy từ các nguồn khe phía trên, nếu vượt qua điểm trũng thì dùng cây to bổ đôi, khoét ruột làm máng dẫn nước; nếu vượt đường thì xếp đá tạo mặt bằng cho giao thông còn nước len lỏi phía dưới, tạo hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh cho việc canh tác. Cần nói thêm, để tạo đường đồng mức cho từng mảnh ruộng, đồng bào dùng nước làm một đường cân bằng sóng, chỗ trũng thì dùng cuốc bướm cào bằng thêm; chỗ cao thì san bớt lên bờ, vì vậy cả thửa ruộng quanh quả đồi đồi đều có nước và độ cao giống nhau, tạo ra các bậc thang đều khắp. Ngay trong cách chia nước, đồng bào Mông chỉ sẻ nước từ bờ trên xuống bờ dưới theo cách không nối liền mạch (thửa đầu sẻ đầu bờ thì thửa dưới phải sẻ ở giữa bờ, thửa kế tiếp sẻ đường nước thoát ở cuối bờ) nhằm hạn chế tối đa khi mưa lũ tạo dòng chảy mạnh gây vỡ bờ và rửa trôi hết màu. Cứ thế, qua năm tháng các thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải nhiều lên cùng thời gian, ruộng ở các bản: Ma Lừ Thàng, Trống Tông, La Pán Tẩn, Háng Tàu Dê, Thào Chua Chải, Pú Nhu, Phình Hồ, Dế Xu Phình... Người Mông nơi đây từ bằng bàn tay và nghị lực được mở rộng thêm, tạo thành một thắng cảnh kỳ vĩ do con người tạo ra trước thiên nhiên hùng vĩ. Anh Giàng Chứ Ly, Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn cho rằng: "Tiếng Mông mình gọi bậc thang là Làn đáy, hiện toàn xã mình có trên 198 ha ruộng bậc thang, cộng với các xã Chế Cu Nha, Dế Xu Phình thì khu vực này có gần 500 ha ruộng bậc thang đang được giữ nguyên trạng. Hiện Nhà nước công nhận nơi đây là danh thắng ruộng bậc thang đầu tiên trong khu vực các tỉnh miền núi, xã mình đang vận động đồng bào trong xã tiếp tục trồng các loại giống lúa Lửi khoái, Mế lỉnh xính, Tả lènh, Nả lỉnh sí là giống địa phương, kết hợp với giống Plẩula, Plẩu lai. Plẩu lan, Plẩu pang trang... đảm bảo an ninh lương thực, có một phần làm quà cho du khách đến đây; ngoài ra cây thảo quả, con gà đen, lợn đeo gông... sẽ là những sự lạ khi du khách phương xa đến với vùng này". Mời bạn một lần chiêm ngưỡng nét đẹp vùng cao còn nguyên sơ nơi này, dịp đầu xuân cùng ngắm hoa Tớ dày hát điệu Gầu plềnh và cùng tham gia hội Gầu tào (chơi núi đầu xuân); tháng mười cùng ngắm bậc thang trời kỳ vĩ được kết lên từ những thảm lúa vàng rực rỡ; cùng chén rượu thóc giã bạn không quên ngày trở lại lần sau với cao nguyên vùng Tây Bắc.

(Nguồn Báo Yên Bái)

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Đà Nẵng - nơi 'hẹn hò' với những cây cầu nổi tiếng đôi bờ sông Hàn

Có người đã ví mỗi chuyến du lịch đến miền đất mới như một cuộc hẹn hò. Và trong chuyến khám phá thà ...

  06/07/2020 17:44

'Để quên con tim' ở Quy Nhơn

Quả thật, nếu bạn chưa một lần đến Quy Nhơn, đi loanh quanh và khám phá một Kỳ Co nước xanh như ngọc ...

  02/07/2020 15:35

Trải nghiệm đẳng cấp cùng du thuyền trên biển

Giờ đây, du lịch nghỉ dưỡng không chỉ đơn giản là nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian sang trọng củ ...

  01/07/2020 16:53

Cùng hội bạn thân 'du hí' Đà Lạt

Đã bao lâu rồi bạn chưa “hẹn hò” cùng hội bạn thân tại Đà Lạt, nhất là sau những ngày cách ly dài nh ...

  16/06/2020 17:11

6 thiên đường biển tuyệt đẹp cho chuyến du lịch mùa hè

Giữa tiết trời oi ả, bạn chỉ muốn “trốn” đến vùng biển xanh biếc, đắm mình trong làn nước mát hay đó ...

  12/06/2020 16:30

Check-in 'sang chảnh' tại các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Phú Quốc

Mỗi lần nghĩ tới du lịch, lý do gì thôi thúc bạn? Đi để trải nghiệm, đi để xả stress, đi để có hình ...

  09/06/2020 16:55
pin