NON THIÊNG YÊN TỬ

Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử bao gồm một hệ thống hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am, tháp, hàng ngàn di vật cổ quí giá và rừng cây cổ thụ nằm giữa một vùng đồi núi điệp trùng của vòng cung Đông Bắc, cách Hà Nội hơn 100 cây số.

  18/06/2013 16:36

 

Hơn 700 năm trước, sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi, về tu tại Yên Sơn, lấy Phật danh là Điều Ngự Giác Hoàng, sáng lập ra phái “Thiền Trúc Lâm”. Từ đó, Yên Tử trở thành Trung tâm Phật giáo Việt Nam.

Đường lên Yên Tử

Khởi hành từ Hà Nội, sau 2 giờ chúng tôi có mặt tại Dốc Đỏ, thắp hương trong chùa Trình trước khi lên Yên Tử. Trước đây, khách muốn vãn cảnh Yên Tử cơm đùm cơm nắm, trèo đèo lội suối vài ngày. Nay, nhờ có cáp treo, chuyến hành hương rút ngắn gần 1/3 đường lên chùa Đồng, đỉnh cao nhất của dãy Yên Tử.

Ngồi trên cáp treo, phóng tầm mắt thưởng thức vẻ đẹp tuyệt mỹ của núi rừng Yên Tử từ trên cao thật thú vị. Đó là những khu rừng trúc xanh ngắt, những đám hoa dành, hoa trà mi trắng muốt chen lẫn với thảm cúc vạn thọ vàng rực, những mái chùa đỏ thẫm thấp thoáng trong rừng tùng…Cáp treo dừng ở “ga trên”, theo con đường mòn rợp bóng cây cổ thụ chúng tôi đến chùa Hoa Yên. 

Chùa Hoa Yên

Chùa Hoa Yên (còn gọi là chùa Cả, chùa Chính, chùa Yên Tử) có qui mô lớn nhất và đẹp nhất trong hệ thống chùa, am, tháp ở Yên Tử. Từ cửa chùa nhìn ra, suối Giải Oan mềm mại như một giải lụa trắng ẩn hiện giữa núi rừng xanh thẳm. Từ cửa chùa Hoa Yên theo con đường dốc trồng đầy hoa vạn thọ xuống dưới là vườn Tháp Huệ Quang (Huệ Quang Kim Tháp). Giữa vườn là ngôi Tháp Tổ 6 tầng, cao 10 m, xây trên nền tháp hình lục lăng. Từ nền tháp lên cao xây theo hình tứ trụ nhỏ dần. Đỉnh tháp tạc nụ sen hay bầu nước cam lồ. Bên trong thờ tượng Trần Nhân Tông bằng đá trắng ngồi thiền ở tư thế liên hoa. Quây quần quanh Tháp Tổ là 97 ngọn tháp với nhiều kiểu dáng và chất liệu khác nhau, thờ các vị sư đã tu hành ở Trung tâm Phật giáo Yên Tử.

Vườn tháp Huệ Quang

Suối Ngự Dội (nơi vua tắm) bên phải chùa vẫn róc rách từ ngàn đời. Đó là một đọan của suối Vàng chảy ngầm trong núi. Nước trong vắt và có mùi thơm của các loại hoa rừng. Ở độ cao 20 mét phía sau chùa Hoa Yên là chùa Phổ Đà. Tháp Độ Nhân cạnh chùa Phổ Đà xây bằng gạch lưu li đặt trên bệ chạm nổi hình rồng, lân. Bốn cây tùng cổ thụ đứng bốn góc tháp tạo nên mái là dày che cho đỉnh tháp quanh năm râm mát. 
Con đường mòn bên trái chùa Hoa Yên dẫn đến am Ngọa Vân (am trong mây), nơi ngày xưa vua Trần Nhân Tông nghỉ ngơi và đọc sách. Dòng nước trắng xóa của thác Tử từ trên cao 10 m ào ào đổ xuống. Hơi nước gặp khí lạnh của núi tụ lại thành những đám mây mỏng như sương khói lùa vào am, lẩn khuất trong màu xanh ngắt của rừng trúc, tạo thành bức tranh thủy mặc tuyệt tác. Gần am Ngọa Vân là am Thung (am giã thuốc) và am Dược (am chế thuốc). Ngày xưa, vua Trần không chỉ đọc kinh luyện pháp mà còn bốc thuốc trị bệnh cứu người.

Chùa Một Mái

Theo con đường đá xếp chênh vênh, lên cao thêm khoảng 200 m, chúng tôi đến ngôi chùa Một Mái (còn gọi là chùa Bán Thiên Tự), nằm ở lưng chừng núi. Một nửa ngôi chùa với một mái nhô ra ngoài trời. Nửa còn lại ẩn sâu trong hang núi. Đây là nơi tàng trữ thư cảo của Trần Nhân Tông. 
Đường lên Yên Tử càng đi càng cheo leo khúc khuỷu, lúc vắt qua vách núi, khi dựng đứng, có chỗ lại luồn trong rừng trúc. Trên đường lên núi, chúng tôi ghé thắp hương trong chùa Vân Tiêu (chùa trên mây), chùa Bảo Sái (tên của một đệ tử trung thành của Trần Nhân Tông) rồi vào Ngộ ngữ Viện, nơi Trần Nhân Tông truyền đạo cho các đệ tử. Bàn ghế ở đây đều bằng đá. Phía trước sân có một giếng đá, gọi là giếng Thiêng, quanh năm nước luôn đầy và trong vắt.

Chùa Đồng

Sau hơn 3 giờ leo núi, thỉnh thoảng ngồi nghỉ tại các quán nhỏ ở lưng chừng núi, cuối cùng, chúng tôi cũng đến được đỉnh cao nhất của Yên Tử (1068 m so với mặt biển), thắp hương trong chùa Đồng (còn gọi là chùa Thiên Trúc). Khách thập phương tập trung đông trước cửa chùa, chắp tay thành tâm khấn vái. Nhiều người bày đồ lễ, dâng hương với các loại trái cây, heo quay, xôi oản …

Trên đường về, ai cũng hẹn dịp khác sẽ trở lại Yên Tử. Bởi vì, Yên Tử vẫn còn rất nhiều danh thắng chỉ mới nghe tên mà chưa kịp đến: Chùa Cầm Thực, chùa Lân, thác Vàng, thác Bạc, suối Tiên, hồ Yên Trung...

(Nguồn: PNO)

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Đà Nẵng - nơi 'hẹn hò' với những cây cầu nổi tiếng đôi bờ sông Hàn

Có người đã ví mỗi chuyến du lịch đến miền đất mới như một cuộc hẹn hò. Và trong chuyến khám phá thà ...

  06/07/2020 17:44

'Để quên con tim' ở Quy Nhơn

Quả thật, nếu bạn chưa một lần đến Quy Nhơn, đi loanh quanh và khám phá một Kỳ Co nước xanh như ngọc ...

  02/07/2020 15:35

Trải nghiệm đẳng cấp cùng du thuyền trên biển

Giờ đây, du lịch nghỉ dưỡng không chỉ đơn giản là nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian sang trọng củ ...

  01/07/2020 16:53

Cùng hội bạn thân 'du hí' Đà Lạt

Đã bao lâu rồi bạn chưa “hẹn hò” cùng hội bạn thân tại Đà Lạt, nhất là sau những ngày cách ly dài nh ...

  16/06/2020 17:11

6 thiên đường biển tuyệt đẹp cho chuyến du lịch mùa hè

Giữa tiết trời oi ả, bạn chỉ muốn “trốn” đến vùng biển xanh biếc, đắm mình trong làn nước mát hay đó ...

  12/06/2020 16:30

Check-in 'sang chảnh' tại các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Phú Quốc

Mỗi lần nghĩ tới du lịch, lý do gì thôi thúc bạn? Đi để trải nghiệm, đi để xả stress, đi để có hình ...

  09/06/2020 16:55
pin