Kiến trúc Lăng Tẩm Và Nét Riêng Của Huế

Theo quan niệm truyền thống bao đời nay “sống là gửi, thác là về”, vì vậy nơi “trở về” ấy luôn được quan tâm chuẩn bị một cách chu đáo, đặc biệt là đối với các vua triều Nguyễn. Vì thế, nhiều lăng tẩm với các phong cách kiến trúc khác nhau đã được xây dựng khắp trên đất kinh đô, tạo nên nét riêng đặc sắc cho mảnh đất này.

  14/03/2007 14:42

LĂNG GIA LONG (Thiên Thọ Lăng)
Vua Gia Long có tên là Nguyễn Phúc Ánh (1762 – 1820), là người đã lập ra triều đại nhà Nguyễn, lên ngôi ngày 1 tháng 6 (âm lịch) năm 1802, niên hiệu là Gia Long. Lăng Gia Long nằm trên một ngọn đồi bằng phẳng và rộng lớn, phía trước có ngọn Đại Thiên Thọ làm tiền án, phía sau là 7 ngọn núi làm hậu chẩm. Bên trái và bên phải, mỗi bên có 14 ngọn núi là “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”. Tổng thể lăng chia làm 3 khu vực: Ở giữa là khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Qua khỏi sân chầu là những hàng tượng đá uy nghiêm, Bửu Thành nằm ở đỉnh đồi. Bên trong Bửu Thành có hai ngôi mộ đá (dạng thạch thất) được song táng theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức”. Bên phải là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành là trung tâm. Bên trái là Bi Đình, có tấm bia lớn ghi bài “Thánh đức thần công” của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha.

LĂNG MINH MẠNG (Hiếu Lăng)
Vua Minh Mạng (1791 – 1841) là vị vua thứ nhì của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1820 đến 1841. Minh Mạng tên húy là Nguyễn Phước Đảm, (còn có tên khác là Nguyễn Phúc Kiểu), là hoàng tử thứ tư của vua Gia Long và thứ phi Trần Thị Đang. Lăng của ông được quan địa lý Lê Văn Đức chọn đất để xây ở địa phận núi Cẩm Kê, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu của hai nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch để tạo thành con sông Hương thơ mộng. Năm 1940, lăng được khởi công, vừa xây dựng được 1 năm thì vua Minh Mạng đột ngột qua đời. Vua Thiệu Trị lên nối ngôi, đã chỉ huy gần 10.000 lính và thợ thi công tiếp công trình theo đúng họa đồ của vua cha để lại, đến đầu năm 1843 mới hoàn tất.

LĂNG TỰ ĐỨC (Khiêm Lăng)
Vua Tự Đức (1829 – 1883) có tên là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, là con thứ 2 của vua Thiệu Trị và bà Phạm Thị Hằng (Hoàng hậu Từ Dũ), lên ngôi tháng 10 năm Đinh Mùi (1847), làm vua được 36 năm (1847-1883). Lăng Tự Đức là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn, tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế). Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức chọn tên là Vạn Niên Cơ, sau đổi tên thành Khiêm Cung, sau khi vua mất gọi là Khiêm Lăng. Bố cục khu lăng gồm 2 phần chính, bố trí trên 2 trục dọc song song với nhau, cùng lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm tiền án, núi Dương Xuân làm hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố minh đường. Ở đây quanh năm có suối chảy, thông reo, muôn chim ca hát. Không có những con đường thẳng tắp, đầy góc cạnh như các kiến trúc khác, thay vào đó là con đường lát gạch Bát Tràng uốn lượn quanh co.

LĂNG KHẢI ĐỊNH (Ứng Lăng)
Vua Khải Định (1885-1925) có tên là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, con trưởng của vua Đồng Khánh và bà Dương Thị Thục (Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu). Năm 1916, sau khi vua Duy Tân bị Pháp đày đi Réunion, triều đình Huế đã lập Bửu Đảo lên ngôi vua vào ngày 18-5-1916, lấy niên hiệu là Khải Định. Vua Khải Định ở ngôi được 10 năm thì bị trọng bệnh và mất. Lăng Khải Định mang phong cách kiến trúc pha trộn “nửa Á, nửa Âu”, đánh dấu một giai đoạn kiến trúc cách tân trong lịch sử kiến trúc và mỹ thuật Việt Nam. Về mặt tổng thể, lăng Khải Định giống như một lâu đài kiểu Châu Âu, nằm trên sườn núi cao và được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu có nguồn gốc Tây phương như: bê-tông cốt thép; những cánh cửa sắt đồ sộ, lợp ngói ardoise, gạch careaux... Bên cạnh đó, phong cách kiến trúc Á Đông cũng kết hợp một cách nhuần nhuyễn thể hiện qua việc sắp xếp bố cục cảnh quan, tuân thủ nguyên tắc phong thủy địa lý trong việc tận dụng núi đồi, khe suối chung quanh để tạo thế tả thanh long, hữu bạch hổ; minh đường, thủy tụ; tiền án, hậu chẩm...

Lăng tẩm của các vua triều Nguyễn là một phần không tách rời khỏi các giá trị, mang dấu ấn thời gian nơi kinh đô Huế. Mỗi khu lăng mộ sẽ mang đến cho du khách một cảm nhận khác nhau, với một chút thơ, một chút nhạc và còn có những câu chuyện vui - buồn trôi cùng dòng chảy tháng năm. 

Bản tin số 10/2006

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Đà Nẵng - nơi 'hẹn hò' với những cây cầu nổi tiếng đôi bờ sông Hàn

Có người đã ví mỗi chuyến du lịch đến miền đất mới như một cuộc hẹn hò. Và trong chuyến khám phá thà ...

  06/07/2020 17:44

'Để quên con tim' ở Quy Nhơn

Quả thật, nếu bạn chưa một lần đến Quy Nhơn, đi loanh quanh và khám phá một Kỳ Co nước xanh như ngọc ...

  02/07/2020 15:35

Trải nghiệm đẳng cấp cùng du thuyền trên biển

Giờ đây, du lịch nghỉ dưỡng không chỉ đơn giản là nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian sang trọng củ ...

  01/07/2020 16:53

Cùng hội bạn thân 'du hí' Đà Lạt

Đã bao lâu rồi bạn chưa “hẹn hò” cùng hội bạn thân tại Đà Lạt, nhất là sau những ngày cách ly dài nh ...

  16/06/2020 17:11

6 thiên đường biển tuyệt đẹp cho chuyến du lịch mùa hè

Giữa tiết trời oi ả, bạn chỉ muốn “trốn” đến vùng biển xanh biếc, đắm mình trong làn nước mát hay đó ...

  12/06/2020 16:30

Check-in 'sang chảnh' tại các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Phú Quốc

Mỗi lần nghĩ tới du lịch, lý do gì thôi thúc bạn? Đi để trải nghiệm, đi để xả stress, đi để có hình ...

  09/06/2020 16:55
pin