DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA & DANH LAM THẮNG CẢNH Ở HỘI AN

CÙ LAO CHÀM

Cù Lao Chàm thuộc vùng biển Hội An, cách Cửa Đại khoảng 21 km. Đây là một nhóm gồm 7 đảo lớn nhỏ: Hòn Lao, Hòn Tai, Hòn Dài, Hòn Mô, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con. Tổng diện tích trên 15km², trong đó rừng chiếm khoảng 90% , Hòn lớn nhất là Hòn Lao, nhỏ nhất là Hòn Khô con.

  25/06/2007 10:50

Dưới thời Vương quốc Chăm pa, nơi đây còn là hoang đảo, là nơi lưu đày những người bị trọng tội, có tên là Chiêm Bất Lao. Đến khoảng thế kỷ 17, một số ngư dân đã đến cư trú trên những bãi cát rộng trên Hòn Lao và lập nên làng Tân Hiệp, 6 hòn đảo còn lại không có người ở vì môi trường không thuận lợi cho con người. Trên Hòn Lao có 8 bãi cát phân bố dọc theo sườn phía Tây: bãi Bắc, bãi Ông, bãi Làng, bãi Xếp, bãi Chồng, bãi Bìm, bãi Hương và bãi Nần, dân cư chỉ sinh sống ở bãi Hương và bãi Làng. Ngọn núi cao nhất là Hòn Biền (517m) nằm trên Hòn Lao.

Khí hậu vùng Cù Lao Chàm khá dễ chịu, mùa đông nhiệt độ từ 21 -22oC, mùa hè khoảng 28-29oC, lượng mưa điều hòa, tuy nhiên đây là khu vực phải chịu ảnh hưởng nặng của áp thấp nhiệt đới và bão trong vùng biển Đông.

Thực vật trên Cù Lao Chàm khá phong phú, những loại gỗ quí như gõ, kiền kiền, chè, xoan, các loại dây mây, song, các loại cây ăn quả như dừa, sim, khế, ổi... Động vật hoang dã chủ yếu là khỉ, thỏ, trăn, một số loài chim, đặc biệt là chim yến trụ ở các hang (hang Khô, hang Cả, hang Tò Vò, hang Chân Rêu... ) người dân làng Thanh Châu đã khai thác nó thành yến sào quý hiếm từ thế kỷ 17. Vùng biển quanh đảo có nhiều loại cá, tôm, cua, mực, ốc... là ngư trường khai thác rất lý tưởng .

Cù lao Chàm còn có một số đình, chùa, miếu có giá trị về lịch sử - văn hóa như chùa Hải Tạng ở bãi Làng, miếu thờ Tổ nghề Yến ở bãi Hương, có những cảnh đẹp như suối Tình, suối Ông, ao Thuyền... những bãi tắm tốt như hãi Ông, bãi Bìm, bãi Chồng. Trong những ngày trời trong xanh, ngồi trên thuyền có thể nhìn thấy những đàn cá đủ màu sắc bơi lội quanh đám san hô trắng tinh hoặc phơn phớt hồng ở độ sâu 7- 10m.

ĐÔ THỊ CỔ HỘI AN

Thế kỷ 16- 17 là thời kỳ có nhiều chuyển biến quan trọng ở vùng Đông Nam Á, các nước phương Tây bắt đầu giao thương với phương Đông, thuyền buôn các nước đến các thương cảng của việt Nam. Nhiều thương nhân Nhật Bản đã đến cư trú tại Hội An, lập thương quán để giao dịch.

Với vị trí thuận lợi trên đường hàng hải cùng với sự có mặt của các thương nhân Nhật Bản, Trung Hoa, Hội An đã trở thành một đô thị thương cảng quan trọng nhất ở Đàng Trong. Đến đầu thế kỷ 19, do sự bồi cạn của dòng sông, cửa biển cùng với một số nguyên nhân khác, việc buôn bán ở đây sa sút dần, đến cuối thế kỷ 19, trung tâm thương mại của Quảng Nam chuyển ra Đà Nẵng.

Nói đến đô thị cổ Hội An, chủ yếu là nói đến các kiến trúc cổ. Về nhà ở có 2 loại: "Nhà phố" và "nhà rường".

Đình:

Những ngôi đình làng ở Hội An thường được làm vào thế kỷ 17, 18 nhưng trải qua nhiều thời gian và chiến tranh hầu như tất cả đều bị hư hỏng hoặc thiêu hủy, người đời sau trùng tu hoặc xây cất lại, do đó niên đại phổ biến của các ngôi đình hiện đang tồn tại là thế kỷ 19.

Đình ông Voi (Hội An đình): Căn cứ vào các di vật trong đình có thể xác định đây là đình làng Hội An, một trong những ngôi đình sớm nhất ở đất Hội An, chưa rõ năm xây dựng, chỉ biết đình được trùng tu vào năm Đinh Mùi, triều Thành Thái (1907).

- Đình Cẩm Phô: trùng tu vào năm Gia Long thứ 17 (1818).

- Đình Sơn Phong: Theo một số bài vị thờ các vị thần và bức hoành phi do chúa Nguyễn Phúc Chu ban vào năm 1715, có thể biết đình Sơn Phong được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17, đến nay đình đã được tu bổ nhiều lần nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính.

- Đình Xuân Mỹ: Theo tấm bia đá của đình và một số văn tự địa bộ của làng Xuân Mỹ, có thể biết đình được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 17, qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống của đình cổ Việt Nam. Đình thờ Thành Hoàng bổn xứ và tiền hiền chư phái tộc trong làng.

Chùa:

Ở vùng Hội An có hai dạng chùa: chùa làng gắn liền với khu dân cư và sự hình thành phát triển của làng; một dạng chùa khác nằm tách biệt ngoài khu dân cu, thuần túy là nơi tu hành của các tu sĩ. Hầu hết các chùa ở Hội An theo dòng Phậl giáo Lâm tế của Tịnh Độ Tông, từ Trung Quốc truyền sang vào thế kỷ 17.

Một số chùa tiêu biểu của đô thị cổ Hội An:

- Chùa Chúc Thánh: Chùa được bố cục thco kiểu "tiền công hậu quốc", là sự kết hợp hài hoà hai phong cách kiến trúc Việt Nam và Trung Hoa với nhiều đồ án trang trí được chạm trổ công phu. Quanh chùa có 16 ngôi mộ tháp của các vị trụ trì đã viên tịch, nổi bật là bảo tháp của tổ sư Minh Hải cao 12m..

- Chùa Vạn Đức: Ngôi chùa ban đầu là một thảo am tranh tre, do thiền sư Minh Lương (sư đệ của ngài Minh hải) đệ tử đời 33 dòng Lâm Tể trụ trì vào cuối thế kỷ 17. Ngôi chùa được mở rộng và xây dựng bằng vôi gạch vào đầu thế kỷ 18, đã qua nhiều lần trùng tu nhưng ngôi chùa vẫn giữ được vẻ trang nghiêm cổ kính.

- Chùa Viên Giác: Tiền thân của chùa Viên Giác là một ngôi chùa mang tên Cẩm Lý nằm ở Xuyên Trung-Cẩm Phô, do làm sát bờ sông, bị xói lở nên dân làng dời về vị trí hiện nay và đổi tên là Viên Giác Tự (1814). Ngày trước là chùa làng, năm 1950 làng giao chùa cho Giáo hội Phật giáo địa phương quản lý.

- Chùa Phước Lâm: Chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ 18, do tiền sư Minh Giáo, đệ tử đời thứ 35 dòng Lâm Tế làm trụ trì. Công trình được bố trí theo kiểu chữ "môn", do người làng mộc Kim Bồng- Hội An xây dựng.

- Chùa Kim Bửu: thuộc địa phận làng Kim Bồng (thôn 3 xã Cẩm Kim). Hiện chưa biết chính xác năm xây dựng chùa, nhưng vì đây là một chùa làng, gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng mộc Kim Bồng, có thể phỏng đoán chùa được xây dựng vào thế kỷ 17.

- Chùa Hải Tạng: nằm ở xóm Cấm trên hòn Lao-Cù lao Chàm- căn cứ theo tấm bia dựng năm Tự Đức nguyên niên ( 1848) được biết chùa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758)

Ngày nay chùa chỉ còn lại tam quan và công trình chính, mái lợp ngói âm dương, bộ vì kèo "chồng rường giả thủ" cùng với các cấu kiện gỗ được chạm trổ tinh tế với tài nghệ của thợ mộc Hội An.

- Chùa Cầu: Còn được gọi là "cầu Nhật Bản" hoặc "Lai Viễn Kiều". Đây là công trình kiến trúc đặc biệt của Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hiện nay chưa rõ niên đại chính xác của chùa Cầu, căn cứ vào văn bia tại chỗ và một số tài liệu khác, được biết chiếc cầu do các thương nhân Nhật Bản bỏ vốn và thiết kế, thợ mộc Việt Nam tại Hội An thi công. Cầu được bắc qua một lạch nước, nối liền 2 khu dân cư.

Cầu được làm theo kiểu "Thượng gia hạ kiều", mái lợp ngói âm dương, kết cấu mái theo kiểu "chồng dấu con sơn, sàn cầu lót gỗ, ở giữa dành cho xe cộ, hai bên giành riêng cho người đi bộ, móng xây bằng đá. Hai gian đầu hợp với 7 gian giữa tạo chữ "Công", cầu hợp với chùa tạo chữ "đinh".

Hai đầu cầu thờ 2 cặp tượng chó và khỉ bằng gỗ, có 4 tấm bia đá gắn trên vách, nội dung liên quan đến những lần tu sửa Chùa Cầu. Trong chùa thờ tượng Bắc đế Trấn Võ chứ không thờ Phật.

Hội quán:

Hội quán là loại hình kiến trúc mang tính cộng đồng của người Hoa, là nơi thờ các vị thần, thờ tiền hiền và sinh hoạt đồng hương. Mỗi bang có một hội quán riêng: Phúc Kiến Hội Quán, Triều Châu hội quán, Hải Nam hội quán và một hội quán chung cho 5 bộ phận người Hoa cư trú tại Hội An và Dương Thương hội quán.

- Triều Châu hội quán: còn gọi là chùa ông Bổn, nằm trên đường Nguyễn Duy Hiệu, hội quán nầy được xây dựng xong vào năm 1845, đã được tu sửa nhiều lần.

Kiến trúc nầy được bố trí kiểu "nội công ngoại quốc", mái lợp ngói âm dương, kết cấu vì kèo theo kiểu "chồng rường giả thủ".Các cấu kiện gỗ được điêu khắc tinh tế theo các đề lài long, ly, quy, phụng, long mã, hoa lá, chim muông...

- Hải Nam Hội quán: còn được gọi là chùa Hải Nam hoặc Quỳnh Phủ hội quán, nằm trên đường Trần Phú, được xây dựng vào thế kỷ 19. Mặt bằng kiến trúc kiểu chữ "quốc", kết cấu bộ vì kèo bằng 3 rường thượng, trung, hạ, các thanh rường được liên kết với nhau bằng các con kê, có chức năng chịu lực thay cho cột trốn.

- Quảng đông Hội quán: thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, các vị tiền hiền và Thần Tài, sau thờ thêm Khổng Tử. Ngày nay thờ Quan Thánh đế quân, các vị tiền hiền và Thần tài.

- Dương Thương Hội quán: Hội quán được xây dựng bởi các thương nhân người Hoa thuộc 5 bang: Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam và Gia ứng. Đây là nơi người của Ngũ Ban sinh hoạt, giúp đỡ lẫn nhau buôn bán ở Hội An.

Hội An còn có những loại hình kiến trúc cổ khác như nhà thờ tộc, miếu, lăng mộ..., tất cả hợp thành một quần thể kiến trúc của đô thị cổ Hội An.

Ngày nay, Hội An là một địa điểm tham quan thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến viếng, đây còn là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực kiến trúc, khảo cổ, lịch sử, dân tộc học.

(Nguồn: Quảng Nam Đà Nẵng xưa và nay -
NXB Đà Nẵng - 1996)

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Đà Nẵng - nơi 'hẹn hò' với những cây cầu nổi tiếng đôi bờ sông Hàn

Có người đã ví mỗi chuyến du lịch đến miền đất mới như một cuộc hẹn hò. Và trong chuyến khám phá thà ...

  06/07/2020 17:44

'Để quên con tim' ở Quy Nhơn

Quả thật, nếu bạn chưa một lần đến Quy Nhơn, đi loanh quanh và khám phá một Kỳ Co nước xanh như ngọc ...

  02/07/2020 15:35

Trải nghiệm đẳng cấp cùng du thuyền trên biển

Giờ đây, du lịch nghỉ dưỡng không chỉ đơn giản là nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian sang trọng củ ...

  01/07/2020 16:53

Cùng hội bạn thân 'du hí' Đà Lạt

Đã bao lâu rồi bạn chưa “hẹn hò” cùng hội bạn thân tại Đà Lạt, nhất là sau những ngày cách ly dài nh ...

  16/06/2020 17:11

6 thiên đường biển tuyệt đẹp cho chuyến du lịch mùa hè

Giữa tiết trời oi ả, bạn chỉ muốn “trốn” đến vùng biển xanh biếc, đắm mình trong làn nước mát hay đó ...

  12/06/2020 16:30

Check-in 'sang chảnh' tại các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Phú Quốc

Mỗi lần nghĩ tới du lịch, lý do gì thôi thúc bạn? Đi để trải nghiệm, đi để xả stress, đi để có hình ...

  09/06/2020 16:55
pin