Người Việt tăng tốc xuất ngoại du lịch
Trong khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa thể bùng nổ thì ngay từ những tháng đầu tiên mở cửa, người Việt đã ồ ạt xuất ngoại du lịch
"Đi Hàn Quốc tự túc bình dân tốn bao nhiêu tiền mỗi người?". - "Nếu đi máy bay giá rẻ thì khoảng 20 triệu". - "Vậy cả năm tới tui sẽ không đi đâu, tích đến năm sau tụi mình đi Hàn nhé!", Mỹ Chi (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) hạ quyết tâm sẽ đến Hàn Quốc vào mùa xuân 2024. Vài năm trở lại đây, Chi cùng hội bạn năm nào cũng lên kế hoạch đi chơi 1 - 2 chuyến tới các tỉnh, thành khu vực phía bắc.
Năm ngoái, Chi chuyển công tác sang công ty mới, lương cao hơn. Ngay khi số tiền tích lũy tăng lên, cô liền nghĩ tới xuất ngoại du lịch. "Chúng tôi đều là những người trẻ, thu nhập trung bình nên thường đi du lịch tự túc và tính toán chi tiêu khá chặt. Đơn cử như canh vé máy bay giá rẻ, canh khách sạn giảm giá, có thể đi bộ nhiều hơn để tiết kiệm tiền xe… Song, một chuyến đi Sa Pa 5 ngày hoặc gần hơn là đi Hà Nội 4 ngày thôi, cả tiền ăn uống cũng phải tốn khoảng 5 - 6 triệu đồng/người. Cùng số tiền đó, tôi có thể đi Thái Lan vài ngày hoặc "nhịn" 2 - 3 chuyến đi trong nước để đi nước ngoài chơi. Tất nhiên VN rất nhiều điểm đẹp nhưng ai có cơ hội cũng sẽ muốn khám phá các nước khác trước", Mỹ Chi nói.
Không phải lo tiết kiệm tiền du lịch như Mỹ Chi mà ngược lại, mỗi năm khoản chi tiêu "ngốn" nhất của gia đình anh Nguyễn Trần Phương (ngụ Q.7, TP.HCM) là dành cho xuất ngoại du lịch. Vừa đi châu Âu 15 ngày hồi tháng 10.2022, nhà anh dành tiếp 7 ngày nghỉ tết Dương lịch ở Nhật, sau đó ngẫu hứng qua Thái Lan đón tết Nguyên đán rồi giờ lại tiếp tục chuẩn bị cho hành trình châu Âu 2 tuần vào tháng 4. Hỏi anh Phương đã đi hết các tỉnh, thành ở VN chưa mà sao đi nước ngoài nhiều vậy, anh bảo: "Cũng đi trong nước nhiều chứ, nhưng nhà tôi có nguyên tắc không bao giờ nghỉ lễ trong nước. Cứ lễ là chỗ nào cũng đông, ăn không có chỗ ăn, chơi không chen nổi mà chơi. Có đi trong nước thì cũng phải ở mấy khu cao cấp tách biệt, như thế thì chi phí tính ra có khi còn cao hơn đi mấy nước gần, mà lại không vui bằng. Nên thôi, cứ ra nước ngoài mà nghỉ lễ!".
Tốc độ tăng trưởng thị trường du lịch outbound (đi du lịch quốc tế) của VN giai đoạn 5 năm qua rất mạnh. Báo cáo "Tương lai du lịch nước ngoài tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ năm 2016 - 2021" của MasterCard nhận định VN đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm về số lượng người đi du lịch nước ngoài ở mức 9,5%, đứng thứ hai trong khu vực, chỉ sau Myanmar (10,6%). Trong báo cáo khi đó, MasterCard dự báo VN sẽ có khoảng 7,5 triệu người đi du lịch nước ngoài vào năm 2021. Thế nhưng thực tế, thống kê từ ASEAN Travel 2018 cho thấy đến năm 2018, đã có khoảng 8,6 triệu người Việt đi du lịch nước ngoài, vượt dự báo tới 2021 và tăng gấp đôi con số 4,8 triệu năm 2012.
Đáng chú ý, báo cáo của một nghiên cứu mới do Klook thực hiện vào tháng 11.2022 tại 9 thị trường, bao gồm cả VN mang đến kết quả bất ngờ: Tại VN, mặc dù 75% lo lắng về việc đi lại do những bất ổn kinh tế, nhưng 79% dự định có nhiều hơn một chuyến du lịch quốc tế vào năm 2023 và 45% dự định ở lại nước ngoài hơn 10 ngày. Trong số những người được hỏi, du khách đến từ Malaysia, Singapore và Nhật Bản được xếp hạng cao nhất về chi phí nhưng người VN mới là một trong những đối tượng hào hứng đi du lịch nhất với 51% dự định chi tiêu nhiều hơn cho du lịch vào năm 2023.
"Năm 2022, du khách châu Á, đặc biệt là du khách VN, đã phản ứng và thích nghi tích cực với những thay đổi về du lịch. Chúng tôi đã chứng kiến làn sóng người VN đi du lịch nước ngoài ngay sau khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ, dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch nước ngoài kể từ tháng 3.2022", Tổng giám đốc Klook tại VN cho biết.
Cần nhiều chính sách xây dựng điểm đến
Trong khi du khách Việt đang trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất của các nền du lịch lớn thì ở chiều ngược lại, lượng khách quốc tế đến VN sau đại dịch chưa được như mong muốn. Năm 2022, VN không đạt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế. Chúng ta dè dặt kỳ vọng cả năm nay đón được 8 triệu khách quốc tế nhưng đến nay mục tiêu này vẫn chưa thể lạc quan khi mà Trung Quốc, thị trường lớn nhất của du lịch VN trước dịch, vẫn chưa cho phép mở các tour khách đoàn tới VN.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, phân tích: Sau đại dịch, thói quen du lịch của người Việt có nhiều thay đổi. Họ chi tiêu ít hơn, không đi nước ngoài để mua sắm những đồ xa xỉ, đắt tiền như trước mà tập trung vào trải nghiệm, tận hưởng điểm đến. Tuy nhiên, họ vẫn sẵn sàng bỏ tiền nhiều hơn để mua tour xuất ngoại. Vé máy bay cao hơn, landtour bên nước ngoài tăng giá đẩy giá tour đắt hơn giai đoạn trước dịch nhưng người Việt vẫn chấp nhận. Trong khi đó, giá dịch vụ trong nước đang rất tốt nhưng khách quốc tế đến VN thì rất ít.
Vị này nhận định cán cân du lịch hai chiều của VN đang ngày càng lệch pha, chủ yếu do độ chênh về khả năng tiếp cận điểm đến. Cụ thể, một điểm đến có mức tiếp cận dễ dàng sẽ là yếu tố đầu tiên hấp dẫn du khách. Mức tiếp cận được nhận diện dựa theo chính sách xuất nhập cảnh, giao thông và khả năng tiếp cận văn hóa địa phương. Đơn cử, người Việt thời gian qua đi Campuchia rất nhiều trong khi khách từ Campuchia qua VN chưa tương xứng.
Nguyên nhân đầu tiên là do giấy thông hành qua biên giới khó khăn, giá vé máy bay từ Campuchia đến VN cao vì số chuyến bay ít. Khách Việt qua Thái Lan, qua Indonesia, Malaysia hay các nước châu Âu, châu Mỹ cũng luôn nhiều hơn chiều ngược lại họ qua VN. Ngay cả với thị trường Ấn Độ, chúng ta mở các đường bay thẳng nhưng cũng chỉ túc tắc đón được rất ít khách. Các chuyến bay đi thường đạt tỷ lệ lấp đầy nhiều hơn các chuyến bay đến.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, thực tế, chính sách xuất nhập cảnh, thị thực, visa là điểm mấu chốt quyết định tới điểm trạm thứ hai. Nếu chúng ta mở cửa dễ dàng với một thị trường thì các hãng hàng không sẽ mở thêm nhiều đường bay, định kỳ và liên tục. Khách quen rồi thì sẽ đi nhiều. Đây chính là cách xây dựng thị trường. Đó là lý do vì sao Hàn Quốc và Nhật Bản dù có nhiều người nước ngoài, đặc biệt là VN trốn ở lại nhưng họ vẫn mạnh dạn áp dụng nhiều chính sách visa đặc biệt để khuyến khích du lịch. Số lượng khách đến chính là chỉ báo thực tế nhất thể hiện chính sách của một quốc gia có đang đủ sức mời gọi khách hay không.
"Các quốc gia khi muốn đẩy mạnh du lịch, họ đầu tư rất mạnh cho công tác truyền thông điểm đến. Như Hàn Quốc, Thái Lan… đều có cơ quan xúc tiến nước ngoài tại VN. Họ thường làm rất nhiều chương trình quảng bá, mời gọi người Việt đi du lịch nước họ. Nhật Bản mới mở cửa cũng đã đẩy rất mạnh hoạt động này. Trong khi đó, VN trước đại dịch công tác truyền thông chủ yếu do các doanh nghiệp (DN) tự gánh, sau đại dịch lại càng yếu hơn vì các DN du lịch đã kiệt quệ, không còn nguồn lực để "đem chuông đi đánh xứ người", ông Kỳ nói.
(Nguồn: Thanh Niên)
Vietravel vinh dự lần thứ 8 liên tiếp nhận giải thưởng Du lịch Thế giới World Travel Awards - Grand Final 2024
Ngày 24/11/2024, trong khuôn khổ Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới - World Travel Awards 2024 diễ ...
Chào đón "thành viên mới" gia nhập đại gia đình Vietravel Airlines
Ngày 22/11, Vietravel Airlines đã chào đón "thành viên mới" mang số hiệu 9H-SWN thuộc Avion Express. ...
Tập đoàn Vietravel tiếp tục ký kết hợp tác chiến lược với Tổng cục Du lịch Singapore năm 2025
Vào sáng ngày 21/11/2024, Công ty Du lịch Vietravel và Tổng cục Du lịch Singapore (STB) đã tiếp tục ...
Hợp tác để phát triển - Lễ ký kết hợp tác Vietravel Nghệ An và Dalattourist
Ngày 20/11/2024 Tại Tp. Vinh, Nghệ An, Vietravel chi nhánh Nghệ An đánh dấu tên tuổi trên bản đồ du ...
Vietravel Airlines gặp gỡ và làm việc với đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan
Ngày 14/11 vừa qua, tại Bangkok Thái Lan, Tổng Giám Đốc Vietravel Airlines - ông Đào Đức Vũ đã có bu ...
Dấu ấn thành công của đoàn 2.512 khách thuộc Tập đoàn New World Fashion do Vietravel Hải Phòng tổ chức
Trong tháng 10 - 11/2024, Vietravel Hải Phòng tự hào đồng hành cùng Tập đoàn New World Fashion trong ...