Hành trình Hoàng Su Phì, Tây Côn Lĩnh đẹp thơ mộng, hùng vĩ

Nếu bạn yêu thích sự lãng mạn của mùa thu, mê đắm hơi thở của núi rừng, hương thơm mùa lúa chín thì Hoàng Su Phì là địa điểm nhất định không được bỏ qua. Hơn thế nữa, để được hoà mình vào núi rừng và thiên nhiên hoang dã, nóc nhà Đông Bắc Tây Côn Lĩnh ở Hoàng Su Phì sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm khó quên của tuổi trẻ.

  10/09/2019
Ảnh: @letuananh

HOÀNG SU PHÌ

Ảnh: Hoàng Tuấn

Hoàng Su Phì, một huyện miền núi của tỉnh Hà Giang nằm dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, nơi mà người ta vẫn thường rỉ tai nhau nhớ tìm về để chiêm ngưỡng những cánh đồng vàng bát ngát trải dọc dài theo thung lũng khi tháng 10 về.

Mùa lúa chín ở Hoàng Su Phì (khoảng từ tháng 9 đến cuối tháng 10) là một trong những thời điểm cảnh sắc thiên nhiên nơi đây đẹp nhất, với những thửa ruộng bậc thang nhuộm màu vàng rực.

Đứng trước khung cảnh bao la, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi ngắm nhìn hàng nghìn thửa ruộng bậc thang trải đều tít tắp, uốn lượn quanh những sườn đồi, lưng núi. Những làn mây, tia nắng ở đây như tô điểm thêm cho bức tranh mùa vàng. Hương lúa mới thoang thoảng làm ấm lòng dân bản.

+ Chiêu Lầu Thi

Ảnh: Tran Chien

Bên cạnh chuyến hành trình săn lúa, bạn cũng có thể săn mây trên đỉnh Chiêu Lầu Thi hay còn gọi là đỉnh “9 tầng thang” nằm cách trung tâm huyện lỵ Hoàng Su Phì 42km. Đỉnh núi Chiêu Lầu Thi là một trong những núi cao thuộc dãy Tây Côn Lĩnh. Vào những đợt rét đậm hàng năm, cơ hội đón tuyết tại đây cũng rất cao vì thế đây cũng là điểm đến ưa thích của những ai đam mê xê dịch và muốn khám phá mạo hiểm.

+ Chợ phiên Hoàng Su Phì

Ảnh: @suphicbt

Chợ phiên là bức tranh nhiều màu sắc về văn hóa của người dân tại vùng cao. Cứ mỗi chủ nhật hàng tuần người ta lại họp chợ và buôn bán những món đồ thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày. Chợ miền ngược thấm đẫm cái tình của người miền núi, không rộn ràng, đông đúc như chợ miền xuôi vì người ta đến chợ không đơn thuần là để mua hay để bán, mà còn là để gặp gỡ hay khoe nhau đôi ba câu chuyện cùng bộ trang phục mới.

Nhu cầu giữa kẻ mua – người bán thì ít mà vui chơi, hò hẹn thì nhiều. Hãy chọn dịp để đi và hòa mình vào phiên chợ với màu sắc váy áo sặc sỡ của cô gái bản Dao hay bản Nùng nhé.

TÂY CÔN LĨNH

Tây Côn Lĩnh là dãy núi nằm ở phía Tây Hà Giang, trải dải trên hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên. Tuy không phải là ngọn núi cao nhất Việt Nam nhưng việc chinh phục được nóc nhà Đông Bắc dường như khó khăn hơn nhiều lần so với đỉnh Fansipan cao vời vợi.

Dù chọn cung đường nào thì bạn cũng phải đối mặt với những con đường khi thì rậm rạp cỏ cây, chạy zíc zắc xuyên thẳng giữa rừng, lúc lại cheo leo giữa một bên là dốc đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Càng lên cao, cửa nhà càng thưa thớt, những con đường nhựa ban đầu cũng nhanh chóng thay bằng đường đất bụi mù ngày nắng và lầy lội lúc trời mưa. Trước khi đến với đỉnh 2.427 m trên dãy Tây Côn Lĩnh, bạn có thể khám phá nhiều điểm dừng chân thú vị.

+ Cung đường Offroad Tây Côn Lĩnh

Offroad hiểu một cách nôm na là đi vào những khu vực không có đường lớn, thường chỉ có đường mòn dành cho người đi bộ với địa hình gập ghềnh hiểm hóc, đòi hỏi người cầm lái phải có kinh nghiệm và cứng tay lái nếu không sẽ gặp nhiều bất trắc và hiểm nguy.

Tây Côn Lĩnh, nóc nhà Đông Bắc thuộc huyện Hoàng Su Phì, luôn là khát khao chinh phục của mọi trekker, bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của núi rừng hoang dã và những cung đường hiểm trở thử thách lòng kiên định của tuổi trẻ. Bạn đủ can đảm và sức khỏe, sao lại nói không với Tây Côn Lĩnh?

+ Đồi chè cổ thụ

Tây Côn Lĩnh nổi tiếng với loại chè shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Sau khi vượt qua cổng trời Hoàng Su Phì, bạn sẽ thấy nhiều cây chè cổ thụ cao quá đầu người. Càng lên cao, mật độ càng dày và trải dài đến mênh mông, ẩn hiện trong sương sớm, khiến ai ngang qua đều có cảm giác như lạc về miền cổ tích.

Bạn có thể dừng chân ở rừng chè cổ thụ của xã Hồ Thầu, nằm trên độ cao 1.500 m, để ngắm bạt ngàn chè cao chót vót, cành lá sum suê. Trong những phút nghỉ chân dưới tán mát của chè, bạn sẽ thấy dâng tràn nguồn cảm hứng để sáng tạo nên những khuôn hình mang đậm dấu ấn của Tây Côn Lĩnh.

+ Những ngôi mộ sọ trâu trên núi cao

Ảnh: Trương Thúy Hằng

Người ta thường biết đến Bản Máy, Bản Phùng và Bản Díu trên dãy Tây Côn Lĩnh của Hà Giang bởi tục lệ kỳ lạ là bêu sọ trâu, bò trên cọc rồi cắm trên mộ người chết. Vùng đất này được người ta tò mò đặt tên là “nghĩa địa sọ trâu”.

Với người La Chí, những ngôi mộ sọ trâu đại diện cho niềm tin của họ, về sự phù hộ độ trì của người chết cho người sống, một sự đảm bảo rằng, cuộc sống đang an vui, đầm ấm trong mỗi gia đình.
Theo Tran Minh Hieu (Wiki Travel)
Các tin khác

Về Côn Đảo trải nghiệm hoạt động thả rùa về biển thú vị

Mỗi khi nhắc đến Côn Đảo, bạn sẽ nhớ đến điều gì? Là biển xanh, cát trắng, nắng vàng, các di tích lị ...

  03/04/2024

Khám phá ẩm thực miền Trung: Thưởng thức món ăn bình dị ở Huế - Đà Nẵng - Hội An

Miền Trung Việt Nam không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp non nước hữu tình mà còn thu hút du khách bởi n ...

  02/04/2024

Khám phá đền Na Tra, điểm đến tâm linh lạ mà quen ở Thái Lan

Du lịch Thái Lan đã nhiều lần bạn được nghe đến đền thờ Phật Bốn Mặt (Erawan Shrine), chùa Phật Ngọc ...

  02/04/2024

Gợi ý 10 địa điểm du lịch Hè trong nước được dự đoán sẽ HOT trong năm 2024

Mùa hè là thời điểm lý tưởng để hội bạn thân, gia đình hay du lịch tự túc để khám phá những điểm đến ...

  01/04/2024

Một bước chạm đến thiên đường du lịch biển Maldives

Maldives, quốc đảo xinh đẹp nằm ở Ấn Độ Dương, được mệnh danh là thiên đường du lịch biển. Đặt chân ...

  29/03/2024

Busan - Điểm đến lý tưởng để ngắm hoa cải dầu và thưởng thức hải sản

Busan, thành phố cảng sôi động thứ hai Hàn Quốc, chào đón mùa xuân với sắc vàng rực rỡ của những cán ...

  25/03/2024
pin